Nằm trong số đó, cách đây 4 ngày (10.12), chính quyền TP.Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu cưỡng chế 1 trong 15 công trình sai phạm tại dự án Ocean View Nha Trang. Dự án này có diện tích 7,28 ha; theo quy hoạch giai đoạn 1 thì mật độ xây dựng công trình 40 - 60%, cao từ 1 - 3 tầng. Từ năm 2018, địa phương phát hiện tại đây có 15 công trình xây dựng 7 - 8 tầng, mật độ xây dựng 100%. Sai trầm trọng so với quy hoạch đã duyệt.
Đầu năm 2019, cử tri Khánh Hòa lên tiếng mạnh mẽ vì sao sai phạm tại dự án này chậm xử lý, thì đến tháng 7.2019, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị công ty điện, nước của tỉnh ngừng cung cấp dịch vụ để ngăn chặn dự án tiếp tục thi công, hạn chế sai phạm nặng hơn về sau. Trong thực tế, từ chỗ nhiều công trình bị phát hiện sai phạm khi chỉ đang xây dựng dở dang phần thô, nhưng không hiểu vì sao vẫn hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Thật khó hiểu!
Trước áp lực dư luận, tháng 4.2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm tại dự án này theo hướng phá dỡ công trình sai phạm, buộc khắc phục hậu quả. Và rồi chính quyền địa phương lại đề xuất thêm phương án cưỡng chế một phần trong 8 công trình sai phạm nghiêm trọng; việc này nhằm tính toán lại giá trị phần xây dựng sai để thu ngân sách cho tỉnh là 65 tỉ đồng. Phương án này chẳng khác gì “mở đường” cho các công trình sai phạm một lối thoát. Rất may, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa phủ quyết đề xuất này.
Một vấn đề khác khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đó là tỉnh Khánh Hòa tạm ứng 30 tỉ đồng để cưỡng chế 15 công trình sai phạm tại dự án Ocean View Nha Trang. Ngoài ra, tỉnh này cũng đã tạm ứng 9,6 tỉ đồng để cưỡng chế 7 công trình sai phạm khác. Các công trình này đều có sai phạm kéo dài, chỉ được phanh phui khi báo chí, cử tri phản ánh. Theo quyết định, kinh phí cưỡng chế các công trình nêu trên chủ công trình phải chịu. Tuy nhiên, việc thu lại tiền như thế nào, bao giờ thu thì đến nay chính quyền sở tại chưa thể trả lời cho dân.
Nhìn lại diễn biến hai vụ việc cưỡng chế công trình sai phạm ở trên cho thấy trách nhiệm quản lý để xảy ra sai phạm là do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, có dấu hiệu buông lỏng của cơ quan quản lý địa phương. Đáng ra khi các sai phạm được phát hiện phải xử lý nghiêm ngay từ đầu để hạn chế hậu quả để lại; đồng thời quy trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan để răn đe, đảm bảo căn cơ không có sai phạm tương tự lặp lại. Đáng tiếc, lẽ thường này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Chuyện tạm ứng ra gần 40 tỉ đồng cưỡng chế các công trình sai phạm, về nguyên tắc là không sai. Nhưng việc ứng ngân sách phục vụ cưỡng chế các công trình sai phạm mà nguyên nhân do công tác quản lý của bộ máy công quyền gây ra thì căn nguyên sai phạm có trị tận gốc và ngân sách đã dùng đúng chỗ?
Bình luận (0)