Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, nhiều vùng trồng lúa trũng, nơi không có hệ thống sông ngòi, lối thoát nước ra biển mới chính là nơi bị ngập, nói không quá thì nó đã mặc định như vậy mỗi khi vào mùa mưa.
Việc ngập lụt như thế mang phù sa cho đất nên trong cái rủi có may. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, những thành phố ngay cửa sông đổ ra biển, hoặc có sông lớn chạy dọc cũng bị ngập, và ngập ngày mỗi nặng. Vì sao có nghịch lý đó?
Nguyên nhân khiến đô thị ven biển ngập lụt thì có nhiều. Đầu tiên phải kể đến do tốc độ đô thị hóa phát triển khá nhanh. Trong khi đó, đầu tư hạ tầng lại chưa đồng bộ. Ví như một xã vùng ven TP.Nha Trang phải cõng lên mình hơn 10 dự án bất động sản. Nhưng hạ tầng tại dự án thì được quan tâm, còn khu dân cư bên ngoài thì… hời hợt. Thậm chí nhiều đô thị ven biển hiện chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn khu, mà chủ yếu quy hoạch theo cụm, theo dự án. Khi không có quy hoạch chung sẽ dẫn đến việc quản lý rất khó, không nói là muốn quản sao cũng được.
Bên cạnh đó, việc phát triển các đô thị kéo theo đó là giá trị đất ở tại các thành phố tăng phi mã, vì vậy xuất hiện trào lưu chuyển đổi đất lúa lên đất thổ để phân lô bán diễn ra tràn lan. Chính vì lẽ đó, nạn đổ đất tạo mặt bằng, tự làm đường, rồi đấu nối nhưng không có hệ thống thoát lũ tại các khu dân cư tự phát diễn ra ồ ạt. Mưa xuống thường ngập cục bộ và nước thoát ra chậm là vậy.
Còn xả lũ. Cái này không gọi là khách quan mà đó là chủ quan. Thủy điện, hồ chứa làm ra để bảo đảm an sinh là đúng. Nhưng làm hồ chứa, thủy điện phải được giám sát, minh bạch số liệu khi xả lũ. Vào mùa mưa, sao chờ nước đầy hồ, vì sao các hồ chứa dồn dập xả lũ cùng lúc, mạnh ai nấy xả với từ rất mỹ miều là “điều tiết” lũ. Lẽ ra phải dự báo được kịch bản mưa trước đó cả tuần để có thể “điều tiết” sớm đúng với mỹ từ mà các thủy điện đang dùng, thay vì “điều tiết” khi nước đã tràn hồ và người dân thì bì bõm trong nước mênh mông.
Phát triển đô thị, xây dựng hồ đập thủy lợi, thủy điện là điều khó tránh khỏi trong xu thế hiện nay. Nhưng việc phát triển đô thị phải được kiểm soát, có quy hoạch bài bản và cần thiết kéo theo đó là phát triển hạ tầng đồng bộ. Hạ tầng không chỉ là giao thông mà còn là hệ thống thoát lũ.
Chỉ khi kiểm soát tốt quy trình xả lũ và phát triển đô thị có quy hoạch một cách bài bản; đồng thời giám sát tốt việc phân lô bán nền, việc hình thành các khu dân cư tự phát mới có thể giải được bài toán hết ngập cho các đô thị ven biển miền Trung hiện nay. Nếu không, dù có đổ hàng ngàn tỉ đồng cho dự án chống ngập như một số thành phố ven biển đang triển khai cũng khó mà hết ngập.
Bình luận (0)