Nỗi niềm người làm công ăn lương

10/12/2021 04:23 GMT+7

Gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh, thất nghiệp tăng, thu nhập giảm, nhưng thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng khiến những người làm công ăn lương không khỏi “nỗi niềm”.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết số thu thuế thu nhập cá nhân chỉ cần 11 tháng để vượt chỉ tiêu cả năm 2021.

Nỗi niềm là bởi, thuế thu nhập cá nhân tăng nhưng thu nhập thực tế của người làm công ăn lương, đóng góp tới trên 70% tổng nguồn thu, lại giảm mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động quý 3/2021 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đó chỉ là giảm trực tiếp, giảm thẳng vào túi tiền mỗi kỳ lĩnh lương.

Thu nhập của họ còn giảm vì mặt bằng giá cả hàng hóa từ thiết yếu đến tiêu dùng đều tăng mạnh. Ví dụ cho dễ hiểu, nếu trước đây mỗi tháng tốn 500.000 đồng cho chi phí nhiên liệu thì với việc giá xăng cao vút, có thời điểm lên đỉnh trong gần 1 thập niên trở lại đây, nên chi cho khoản này đội lên gấp rưỡi, gấp đôi.

Nếu “chiếu” sang các loại hàng hóa khác bằng phép tính như vậy mới thấy “cái sự giảm” nó khủng khiếp hơn nhiều. Với không ít người, thu nhập còn giảm thêm một lần nữa vì gánh thêm người nhà mất việc, nguồn thu nhập phải chia năm xẻ bảy. Chưa hết, ngưỡng thuế quá lạc hậu so với mặt bằng giá cả cũng là yếu tố khiến thu nhập của người làm công ăn lương giảm thêm một lần nữa...

Thế nhưng, trong suốt thời gian qua, những kiến nghị, đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân để động viên người đóng thuế; điều chỉnh ngưỡng thuế cho phù hợp với thực tế đều không được xem xét. Họ vẫn đóng không thiếu đồng nào dù phải thắt lưng buộc bụng, tằn tiện chi tiêu, bóp chỗ này, bít chỗ kia để cố gắng trang trải trong bối cảnh thu nhập giảm mà chi phí sinh hoạt lại tăng cao. Đáng nói là có lần giải thích cho việc này, lãnh đạo ngành thuế còn cho rằng sở dĩ người làm công ăn lương không được giảm thuế vì đây là đối tượng có thu nhập... cao.

Dù không muốn nhưng cũng không thể không so sánh. Cùng đối mặt với dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp được áp dụng khá nhiều chính sách hỗ trợ giãn, giảm, gia hạn thuế, lãi suất thì người làm công ăn lương lại gần như bị “bỏ rơi”. Bảo sao họ không nỗi niềm, không chạnh lòng?

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 8.11, đại biểu đoàn Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng ở thời điểm hiện nay nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu hơn chính sách tận thu. Đây là một ý kiến xác đáng, tạo nguồn thu bền vững và khiến người nộp thuế cảm thấy được thấu hiểu, được chia sẻ.

Chính phủ đang bàn bạc về gói hỗ trợ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay để phục hồi kinh tế. Điều đó cho thấy, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp, sức khỏe của nền kinh tế đang rất kiệt quệ. Mà doanh nghiệp yếu, thì làm sao có người làm công ăn lương thu nhập cao. Vì vậy, mong rằng trong các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền đừng bỏ quên người làm công ăn lương.

Chỉ khi đó, thu thuế tăng mới khiến những người nộp thuế nói chung và người làm công ăn lương nói riêng cảm thấy vui vì sự đóng góp của mình thay vì “nỗi niềm” như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.