Đừng ngồi yên, khóc than ‘sếp ơi sao chưa tăng lương cho em’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/07/2019 16:32 GMT+7

‘Làm sếp mà thấy bạn nào đó gặp mình, đề xuất một kế hoạch hay và đề nghị nếu em làm thành công, em muốn được tăng lương, thăng tiến thì không gì sướng bằng’ , anh Tăng Gia Hải Lam, Giám đốc điều hành Buzzmetrics, nói.

Môi trường làm việc, lương và cơ hội thăng tiến, 3 điều mà bất cứ ai đi làm cũng mong đợi. Nhiều người quản lý cho biết, họ từng gặp những nhân viên tự tin gặp mình và hỏi về cơ hội tăng lương, thăng tiến. Nhưng cũng có những bạn trẻ dù rất băn khoăn, nhưng rụt rè, thích than trách và đổ lỗi cho hoàn cảnh, tại sao sếp chưa tăng lương cho mình, tại sao mình là một "viên kim cương quý giá" như thế này mà sếp không biết trân trọng, để sau này vuột mất thì đừng tiếc.

Muốn tăng lương, nhưng anh đã làm gì?

Anh Nguyễn Trương Tuyến, CEO Chuỗi rửa và chăm sóc xe tự động 5S, cho biết có hai dạng nhân sự trẻ, một là làm việc và thụ động chờ đợi, bao giờ được tăng lương thì tùy, đó là việc mà sếp rồi phòng nhân sự phải tự làm; hai là chủ động đề đạt ý kiến, đàm phán với sếp. Là CEO trẻ, anh Tuyến thích mẫu thứ 2 hơn.
“Khi đi làm thuê ở nhiều doanh nghiệp, một năm có thể tôi được tăng lương nhiều lần, chứ không phải một lần, đều là do tôi chủ động đàm phán với sếp của mình. Khi công ty đang có doanh thu tốt, cộng với những thành tích cá nhân, thì việc đề xuất của mình dễ được đồng ý hơn”, anh Tuyến chia sẻ.
“Tôi luôn khuyến khích tất cả các bạn nhân viên trẻ của mình là dũng cảm tự đề xuất lộ trình để mình được tăng lương. Và tất nhiên, để được đồng ý, các bạn phải đảm bảo các tiêu chí: thành tích, cống hiến cho doanh nghiệp; thái độ làm việc; nhìn về một hướng, đồng hành với chí hướng của người đứng đầu; thể hiện quyết tâm muốn gắn bó lâu dài”, CEO này cho biết thêm.
Trong một ngày hội về nhân sự mới đây do Vietnamworks tổ chức, anh Tăng Gia Hải Lam, Giám đốc điều hành Buzzmetrics, cho hay anh từng rất sướng, khi có những nhân viên trẻ chủ động gặp mình, đưa cho mình những ý tưởng mới, dự án thú vị kèm lời thỏa thuận, nếu bạn làm thành công, có kết quả tốt, tăng lương… Và tất nhiên, với những bạn trẻ có năng lực, chuyên môn và sự tự tin khi trình bày nguyện vọng này với sếp, anh sẽ không ngần ngại để bạn ấy có cơ hội được thử.

Hữu xạ tự nhiên hương

Không phải nhân viên trẻ nào cũng đủ dũng cảm, quyết tâm chinh phục sếp trong các lần muốn tăng lương, hay muốn thăng tiến. Nhiều bạn trẻ cho hay, họ bị stress vì… sếp. Trần Thị Giang, 24 tuổi, nhân viên bán hàng làm việc tại Q.3, TP.HCM phàn nàn: “Sếp cái gì cũng nói không biết, em hỏi bây giờ có vấn đề như thế này, giải quyết ra sao, sếp nói về suy nghĩ đi... Hoặc tại sao sếp hay chê, ít khi khen...?”.

Chị Thư (bìa trái) trao đổi với các bạn trẻ về lương, cơ hội thăng tiến...

Thúy Hằng

Theo chị Văn Thị Anh Thư, Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách nhân sự Suntory Pepsico Vietnam Beverage, đó là một trong những cách để sếp thử lòng nhân viên, thúc đẩy ý chí cố gắng của các bạn trẻ. Mỗi người lãnh đạo sẽ có một phong cách khác nhau, từ những điểm tích cực và chưa tích cực của sếp, nhân viên đều có thể học hỏi.
Theo chị Thư, thay vì thói quen ngồi một chỗ than phiền, tự đổ lỗi, tự trách móc khi mãi chưa được tăng lương, thăng tiến “mình là một viên kim cương ẩn giấu đấy, sếp hãy tìm em, cho em tỏa sáng đi, nếu không khi mất thì đừng buồn”, người trẻ hãy tự tỏa sáng, hữu xạ tự nhiên hương để mọi người thấy được giá trị của mình. Đồng thời, chị Thư cho rằng, người trẻ nên dũng cảm đối thoại với sếp, như điểm này em thấy chưa được, em có thể làm cách khác được không, “quan trọng là mình có đủ năng lực để đối thoại chưa, có đủ chủ động để tạo ra một môi trường tốt để làm việc hay không”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.