Trong đó, sẽ tiếp tục lên danh sách tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ mầm non. Tuy nhiên, để bao phủ vắc xin cho nhóm trẻ này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các bậc cha mẹ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, đến chiều ngày 20.11 vẫn còn khá nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trong đó, nhóm từ 5 - 11 tuổi đã tiêm mũi 1 trên cả nước là hơn 90%, nhưng một số tỉnh, thành có tỷ lệ thấp như: Hà Nội 76%; Quảng Trị 77,5%; Đà Nẵng 67,5%; TP.HCM 63,8%; Đồng Nai 79,9%. Cũng ở nhóm này, tỷ lệ tiêm mũi 2 trên cả nước là 64,9%, trong đó một số nơi tỷ lệ thấp như Quảng Bình 46,7%; Đà Nẵng 31,9%; Quảng Nam 34,1%; TP.HCM 36,8%; Đồng Nai 44,7%.
Nhóm từ 12 - 17 tuổi đã tiêm mũi 3 trên cả nước hiện mới đạt 65,5%, trong đó có các tỉnh thành có tỷ lệ thấp là Đà Nẵng 38,9%; Phú Yên 39,9%; Bình Thuận 42,7%; TP. HCM 36,1%; Đồng Nai 42,3%.
Thông tin rất đáng lưu tâm khác, đó là mới đây, 12 tỉnh, thành đã có công văn đề nghị điều chuyển vắc xin Covid-19 đã được phân bổ hoặc từ chối nhận vắc xin.
Việc lơ là tiêm vắc xin Covid-19, chủ quan với căn bệnh đã khiến hơn 43.000 người tại VN tử vong đang thực sự là vấn đề cần phải nghiêm túc nhìn nhận. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố kết thúc đại dịch Covid-19. SARS-CoV-2 là vi rút có khả năng biến đổi liên tục, do đó chưa thể loại trừ nguy cơ dịch tái bùng phát và gia tăng ca tử vong. Covid-19 có thể gây các bệnh nặng ở trẻ nhỏ, trong đó có thể để lại các di chứng nặng và lâu dài. Với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, vắc xin phòng bệnh vẫn là vũ khí hiệu quả nhất hiện nay.
Để người dân tham gia tiêm và cho con em tiêm chủng đầy đủ, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT cần thường xuyên cập nhật kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về hiệu quả, lợi ích của việc tiêm vắc xin, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trẻ có nguy cơ cao. Các chiến thuật truyền thông y tế cộng đồng cũng cần được điều chỉnh phù hợp để tác động hiệu quả đến tâm lý của người dân, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ, trước yêu cầu củng cố thành quả của cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)