'Đúng quy trình' mà sao khiến dân khổ ?

22/04/2021 05:00 GMT+7

'Đúng quy trình' là gì mà khiến dân khổ thế? Những người nông dân chân lấm tay bùn đâu cần đến cái quy trình tích nước, xả lũ...

Từ khi bắt đầu tích nước đến khi vận hành, thủy điện Thượng Kon Tum đã gây ra nhiều thiệt hại trông thấy cho người dân sinh sống phía sau chân đập thủy điện.
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Nhưng từ khi bắt đầu tích nước đến khi vận hành, thủy điện Thượng Kon Tum đã gây ra nhiều thiệt hại trông thấy cho người dân sinh sống phía sau chân đập thủy điện.
Theo đó khoảng tháng 2.2020, thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu chặn dòng tích nước. Trong vòng 2 tháng nước mới lên đến mực nước chết, sau đó mới chảy xuống ống xả môi trường và trả ra dòng sông theo quy trình. Cũng từ đây, phía sau chân đập thủy điện, sông Đăk Snghé thành dòng sông chết.
Trong nhiều cuộc họp với chính quyền địa phương, phía thủy điện cho rằng việc tích nước là “đúng quy trình”. Giữa mùa khô, nhưng thủy điện không trả nước ra môi trường, hàng trăm héc ta cây trồng của người dân xã Tân Lập (H.Kon Rẫy) chết khô. Sau đó, Sở Công thương Kon Tum đã yêu cầu thủy điện này bồi thường cho người dân hơn 1,1 tỉ đồng.
Tiếp đến, tháng 10.2020, thủy điện Thượng Kon Tum bất ngờ xả lũ khiến gần 11 ha cà phê, sắn, lúa và hoa màu của người dân tại thôn 3 (xã Tân Lập) bị nhấn chìm. Trong 4 ngày, nông sản, hoa màu đang vào kỳ thu hoạch của người dân ngâm trong nước lũ.
Sau khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương đã liên tục mời đại diện thủy điện đến làm việc. Tuy nhiên phải đến lần thứ 3, đại diện thủy điện này mới xuất hiện. Buổi làm việc kết thúc với kết luận của phía thủy điện: “Xả lũ đúng quy trình”. Phía thủy điện cũng hứa sẽ hỗ trợ người dân một phần thiệt hại. Khoản bồi thường được đưa ra là 23 triệu đồng/25 hộ dân. Người dân không đồng tình nên đã tiếp tục gửi đơn lên chính quyền địa phương.
“Đúng quy trình” là gì mà khiến dân khổ thế? Những người nông dân chân lấm tay bùn đâu cần đến cái quy trình tích nước, xả lũ. Cái họ cần là được thu hoạch những hạt cà phê, củ mì đã chăm bẵm cả năm trời và được yên ổn làm ăn trên mảnh đất của chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.