Đúng, sao không làm?

Đúng, sao không làm?

Lê Quân
Lê Quân
20/06/2022 04:17 GMT+7

Mấy ngày nay nội thành Hà Nội lại lâm cảnh ngập ngụa rác thải. Nguyên nhân là nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn chậm tiến độ, không đáp ứng xử lý rác thải.

Trong khi đó, bãi chôn lấp rác Nam Sơn đã quá tải, dẫn đến hàng nghìn tấn rác ùn ứ ở các quận nội thành.

Đây là lần thứ 15 trong khoảng 2 năm qua, nội thành Hà Nội lâm cảnh ngập rác do không thể thu gom để đưa đi xử lý. Những lần trước là do người dân gần khu vực bãi rác Nam Sơn chặn không cho xe rác vào bãi chôn lấp, phản đối tình trạng ô nhiễm. Còn lần này ngay cả khi người dân không chặn xe chở rác, thì rác thải sinh hoạt cũng không thể được thu gom để đưa ra khỏi thành phố.

Cuối năm 2018, khi làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tỏ ra vô cùng sốt ruột với tình trạng xử lý rác thải tại thành phố, mà ông gọi là “không còn đường lùi”.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng, theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, một số dự án đốt rác phát điện, điện khí hóa rác thải, khu xử lý rác thải trong tình trạng chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, phải thu hồi dự án… Kỳ vọng lớn nhất là Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý có quy mô lớn hàng đầu thế giới, công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm, khi hoạt động sẽ “ngốn” 2/3 số rác của toàn TP.Hà Nội, dự kiến vận hành vào tháng 10.2020, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ngày nào có thể vận hành.

Từ lâu, Quốc hội, Chính phủ đã nhất quán quan điểm đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững, nâng cao tái chế để đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác. Đồng thời, cũng khẳng định rõ quan điểm rác thải là tài nguyên. Nhưng, vẫn có nghịch lý là mỗi ngày hàng nghìn tấn rác thải đem đi chôn lấp, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nghịch lý hơn nữa là ngân sách đang phải trả tiền và rất nhiều tiền cho việc chôn lấp tài nguyên này.

Một chuyên gia môi trường từng rất ngao ngán chia sẻ với PV Thanh Niên về câu chuyện ngành sản xuất xi măng rất thèm rác thải, bùn thải để làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho các lò xi măng nhưng không có cách nào có thể tiếp cận được nguồn rác thải tài nguyên mà các địa phương đang phải chi bộn tiền để chôn lấp mỗi ngày.

Vấn đề phân loại rác để tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn nhiều năm trước đã được đặt ra; Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhắc đến với lợi ích không thể bàn cãi như vừa giảm thiểu rác thải, không lãng phí tài nguyên, không tốn tiền ngân sách chi cho chôn lấp… Nhưng tại sao đến nay vẫn chưa làm được? Nếu như triển khai rốt ráo phân loại rác thải, tái chế sớm, chắc rằng, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác không lâm cảnh khủng hoảng rác thải như thời gian qua.

Đúng, tại sao không làm? thực sự sẽ còn là câu hỏi nhức nhối và cũng không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm trả lời cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.