Đừng sốc ở thành phố Thánh

16/07/2017 10:02 GMT+7

Varanasi, thành phố thánh nằm bên bờ con sông linh thiêng nhất của người Ấn - sông Hằng (Ganges River). Được đến đã là một diễm phúc, nhưng với người Ấn, được hỏa thiêu bên bờ sông ở thành phố này thật sự là một ân huệ lớn lao.

Chưa đến Varanasi xem như chưa đến Ấn
Đô thị vĩ đại này được mệnh danh với nhiều tên gọi như thành phố Học thuật, đô thị của các Triết gia, thành phố Ánh sáng. Nhưng, trên tất cả, Varanasi chính là một trong tứ thánh địa của các tín đồ Phật giáo thuần thành. Đây chính là nơi mà Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết bài pháp đầu tiên sau khi ngộ đạo, trong vườn Lộc Uyển Sarnath. Varanasi còn nổi tiếng là một trong những đô thị có dân cư liên tục cổ xưa nhất trên toàn thế giới.

Nói như thế để hiểu rằng, Varanasi có một tầm quan trọng rất lớn đối với những du khách say mê tìm hiểu về văn hóa bản địa. Nếu đặt chân lên đất Ấn mà chưa từng đến Varanasi, cũng xem như là chưa đến Ấn vậy.
Quan trọng hơn hết, khi nhắc tới Varanasi và sông Hằng huyền thoại, ngọn nguồn của nền văn hóa Hindu kỳ vĩ, chính là tục hỏa táng được thực hiện trên những nền đá (ghat) đặt dọc theo bờ sông Hằng, mà trung tâm chính là thành phố Varanasi huyền bí.

tin liên quan

Thành phố rừng ở Trung Quốc
Theo chuyên trang CNET, Trung Quốc sẽ xây dựng thành phố “phủ cây” độc đáo nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Chúng tôi lần mò trong trong ánh đèn đường leo lét, hắt ánh sáng xuống những con hẻm nhỏ được lát đá nhìn rất cũ kỹ, len qua lớp lớp những tòa nhà cao tầng dường như được xây chồng lên nhau như những chiếc hộp hình chữ nhật bằng đá thô khổng lồ, lạnh lẽo. Điều đó được lý giải một cách khá rõ ràng bởi người bạn đường của tôi vào ngày hôm sau, rằng Varanasi là tập hợp của những tòa “ghat” xưa cũ (theo tiếng Hindu là những bậc cầu thang dẫn xuống bờ sông), được xây cất trên những nền móng vững chắc từ đời này sang đời khác, lần lượt chồng lên nhau mà không hề có một quy hoạch hay cải tạo đô thị nào được thực hiện một cách triệt để. Thành ra, qua thời gian, dọc theo bờ sông Hằng, các khối đá, bê tông xam xám một màu buồn bã, cứ nằm xếp lên nhau để rồi trải qua hàng trăm năm, lặng lẽ, u buồn...
Một trong những “thảm họa” mà chúng tôi thường gặp khi trao đổi với người Ấn bản địa trong suốt chuyến đi là cách phát âm của họ “nghe như tiếng búa gõ vào thân cây gỗ” (trích lời một bạn đi cùng tôi). May mắn thay, Kumar Singh, một người đàn ông trung niên với cung cách rất từ tốn, lại nói giỏi tiếng Anh bằng một giọng trầm và chậm rãi. Điều này tỏ ra khá phù hợp với không khí đi xem và tìm hiểu về hỏa táng, là một trong những nguyên tắc căn bản của giáo lý đạo Hindu. Nghi lễ hỏa táng vì thế rất được xem trọng, nghi thức này được xem là một trong những kỳ vọng của cả cuộc đời, đối với một người Ấn theo đạo Hindu một cách thuần thành.
Nghi thức tắm gội cho người chết trước khi hỏa táng Ảnh: Phương Nguyễn

Theo những gì Kumar Singh giải thích, thì ở Varanasi tồn tại một ghat được xem là mẹ của các ghat - Manikarnika, tương truyền rằng, nơi đây chính là do thần Vishnu và Shiva (hai vị thần vĩ đại nhất, thủ lĩnh các thần trong đạo Hindu) vô tình tạo nên. Và theo những gì người Ấn tin tưởng, nếu được hỏa táng nơi đây, linh hồn sẽ được yên nghỉ mãi mãi, họ sẽ thoát khỏi được kiếp luân hồi bất tận. Chính vì vậy, việc đến được Manikarnika Ghat, thực hiện nghi thức gột rửa thân thể, hóa thân mình vào ngọn lửa hoàn vũ và mãi mãi hòa mình xuống dòng sông Mẹ bao dung, chính là mục đích cuộc đời của một người Ấn, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người dân bản địa sinh hoạt hàng ngày trên dòng sông linh thiêng này, bất chấp cách đó chừng vài trăm mét, người ta cho rải tro than hoả táng xuống sông.

Các bạn Ấn nhiều lần đã nói với tôi rằng được hỏa táng nơi linh thiêng nhất theo truyền thuyết, chính là việc hoan hỉ nhất trong cuộc đời, nên nếu muốn lĩnh ngộ tốt nhất các nghi thức này, xin đừng dùng đôi mắt ghê tởm hay sợ hãi. Đó là một việc mang lại phước lành.
Đàn hỏa thiêu ngay chân du khách
Quả đúng như vậy. Theo Kumar, để đến được Varanasi và hòa mình vào nước sông Hằng, ngày nay không còn là chuyện dễ dàng. Vì một số lý do về môi trường, chính quyền sở tại đã quy hoạch lại các ghat hỏa táng, từ hàng trăm ghat cháy sáng ngày đêm, hiện giờ chỉ còn lại 3 ghat ở Varanasi là còn giữ chức năng hỏa táng, trong số đó tất nhiên lớn nhất và linh thiêng nhất vẫn là Manikarnika Ghat.
Dọc theo bờ sông Hằng, hàng loạt ghat được xây dựng xếp chồng lên nhau. Sách vở ghi nhận là các tòa nhà này được bắt đầu xây cất từ những năm 1700
Bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, cuối tuần hay các kỳ lễ lớn, những ngọn lửa ở Manikarnika Ghat chưa bao giờ nguội lạnh. Họ cho nơi đây hoạt động liên tục với tần suất trung bình là 300 ca mỗi ngày. Nghi thức tắm gội được thực hiện ngay mé sông, hỏa thiêu cũng ngay đó và rồi tro than còn lại cũng được hòa vào chính dòng nước ấy. Chúng tôi lặng người nhìn những thanh niên lực lưỡng, da dẻ đen bóng đang hì hục đãi số tro than vừa hỏa táng xong, hòng tìm thấy được chút ít vàng bạc tùy táng còn sót lại. Việc đó thật sự làm chúng tôi nổi gai ốc.
Chưa hết, khi bước vào những bậc thềm lớn dọc bờ sông, tôi không nhận ra rằng đâu mới chính là nơi người ta châm lửa. Loay hoay một lúc, Kumar mới lưu ý chúng tôi rằng, họ cho đốt khắp nơi, có nghĩa là sát bên chân tôi, một đống lửa vẫn đang cháy nghi ngút, và những gì còn lại của một cuộc nhân sinh đang bập bùng ngay trong đó...
Những căn phòng “Chờ đợi”
Mặc dù đã được dặn dò một cách kỹ lưỡng, nhưng tôi vẫn khá sốc trước những nghi lễ hoan hỉ của người Ấn. Tôi rã rời bước ra khỏi cổng ghat, định bụng lang thang lên phố để tìm chút không khí thoáng đãng. Nhưng người bạn Ấn nắm tay tôi kéo lại, trỏ sang một gian nhà khác, nằm cạnh bên Manikarnika Ghat, sự vô vi của cuộc sống, thực sự đang nằm ở trong những gian phòng đó. Tôi tự mạo muội đặt tên cho một số gian phòng tối đen đó là phòng “Chờ đợi”...
Mọi người đều biết Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới (chỉ sau Trung Quốc), và nhiều người dân Ấn hiện đang sống ở dưới mức nghèo khổ. Còn nghi thức hỏa táng thì thuộc một trong những nghi lễ cao quý và cực kỳ đắt tiền. Củi khô dùng để hỏa táng là một loại gỗ dầu được đưa về từ thượng nguồn, mùi thơm tự nhiên của cây làm át đi hết mùi thịt cháy. Củi đốt loại này rất đắt, thậm chí được tính bằng cân, càng ngày càng đắt vì cây trên rừng đang hết dần. Thành ra, nếu tính hết chi phí để thực hiện nghi thức hoan hỉ này, rõ là một người Ấn ở tầng lớp bình dân dù có lao động cật lực cả đời cũng không tích cóp đủ tiền. Cuối cùng, những căn phòng Chờ đợi được lập ra để đón những người già yếu, tự cảm thấy mình không còn bao nhiêu ngày, họ tập trung về đó, âm thầm lặng lẽ ngồi chờ trong bóng tối, cho đến lúc hơi tàn, và cũng để chờ đợi sự hảo tâm của các mạnh thường quân đóng góp vào một nguồn quỹ thanh toán các chi phí hỏa táng.
Căn phòng lạnh lẽo, những ánh đèn heo hắt sáng, những bóng đen ngồi nằm la liệt, và tiếng kinh kệ lầm rầm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.