Trẻ em thành phố tập cứu hộ rùa biển

23/06/2017 09:02 GMT+7

Từ khoảng tháng 4 - 9 là mùa rùa biển lên bờ đẻ. Nhiều phụ huynh ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đã cho con em mình về với thiên nhiên tìm hiểu về loài động vật hoang dã này.

Trẻ em thành phố chơi đùa cùng rùa con

Để đến được bãi thả rùa, các bạn nhỏ phải chinh phục một đoạn rừng thuộc vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Đoạn đường dốc, gồ ghề là thử thách đầu tiên của những em nhỏ thành phố trên hành trình tìm hiểu thiên nhiên.

Đoạn đường rừng đã không thể cản bước chân của các em nhỏ. Ảnh Lê Nam

Sau khi rùa mẹ lên bờ đẻ trứng, trứng rùa sẽ được ấp nở tự nhiên tại các bãi đẻ. Sau khoảng 50 ngày những lứa rùa con nở ra và khi đủ cứng cáp sẽ được thả về với biển. Các em nhỏ có khoảng 30 phút chơi đùa cùng rùa con. Sau đó, rùa con sẽ tự bò trên cát để trở về với biển.


Các em nhỏ thích thú khi được chơi đùa với rùa con. Ảnh Lê Nam

Các bạn nhỏ vui đùa cùng rùa con bên những người bạn mới. Ảnh Lê Nam

Hè năm nay, chị Hoàng Thị Hoa Thơm (TP.HCM) cho biết: “Dịp hè, gia đình tôi thường cho các con tham gia những hoạt động hướng về thiên nhiên. Qua hoạt động này, các con có ý thức yêu rùa nói riêng và các động vật nói chung và có ý thức bảo tồn động vật hoang dã.  Các bé được vận động, được leo núi cũng tốt cho sức khỏe và làm quen với nhiều bạn bè cùng tham gia”.

 
[VIDEO] Cận cảnh đàn rùa con bơi ra biển từ Vườn quốc gia Núi Chúa - Thực hiện: Nguyễn Sơn - Lê Nam

Ươm mầm tình yêu thiên nhiên cho trẻ

Bé Nguyễn Minh Quân (Đồng Nai) mải mê chạy ra vào theo con sóng để hứng nước biển vào chiếc hộp đang đựng chú rùa con mới được phát. “Từ trên đó leo xuống đây cũng hơi mệt, nhưng con thích chơi với rùa, rùa con mềm và dễ thương lắm”, Quân thích thú.

Cùng cổ vũ cho rùa con trở về với biển. Ảnh Lê Nam

Trước nhiều thắc mắc của các em nhỏ vì sao phải cho rùa bò trên cát trước khi về với biển, anh Phùng Mỹ Trung – Nhà nghiên cứu sinh vật học cũng là trưởng nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam giải thích: “Vì rùa biển có hệ thống giác quan rất nhạy cảm và chỉ cần bò vài chục mét trên cát là rùa con đã có thể ghi nhớ nơi chúng sinh ra và có thể trở về dù cách xa hàng nghìn km. Nếu chúng ta thả trực tiếp rùa con ra biển, sau này rùa sẽ rất khó khăn để tìm đường trở về”.

“Tôi là một nhà nghiên cứu nên trong quá trình đi làm mình thấy trẻ em Việt Nam rất là thiệt thòi, do không có nhiều cơ hội tham gia các chương trình tìm hiểu thiên nhiên. Cho nên, công việc của chúng tôi là làm sao giúp các bé có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên và yêu thiên nhiên hơn”, Anh Trung bày tỏ.


Ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, rùa xanh là loài rùa thường lên đẻ nhất. Ảnh Lê Nam

Theo thông tin từ vườn quốc gia Núi Chúa, cứ 1.000 rùa con ra biển sẽ chỉ có khoảng 1 con sống sót đến khi trưởng thành. Không chỉ thả rùa con ra biển, các bạn nhỏ còn được trực tiếp chăm sóc những chú rùa trưởng thành đang được nuôi bảo tồn và học về bảo tồn rùa, đặc điểm và cách phân biệt 5 loại rùa biển ở Việt Nam. Qua những hoạt động giáo dục tình yêu thiên nhiên tưởng chừng nhỏ bé này, các em nhỏ sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã từ đó lay động tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.