Như thông tin Thanh Niên đã đưa, việc khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip đã được triển khai hơn 1 năm qua. Các cơ sở y tế, bệnh viện cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu đọc CCCD, phần mềm… Thế nhưng, nhiều bệnh nhân (BN) đi KCB vẫn cầm cả CCCD và thẻ BHYT. Nhiều BN khác thì ngần ngại, không muốn sử dụng CCCD gắn chip.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM đánh giá việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả BN và các cơ sở KCB. Tuy nhiên, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM nhìn nhận vẫn còn trường hợp tra cứu thẻ CCCD nhưng không có thông tin vì đồng bộ dữ liệu về BHYT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đạt 100%.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các bệnh viện có KCB BHYT trên địa bàn đều đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Tuy nhiên, tỷ lệ BN sử dụng còn thấp.
Chưa đồng bộ, thông thoáng
Việc sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT rõ ràng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như rút ngắn thời gian đăng ký, đảm bảo minh bạch, thông suốt thủ tục chi trả dịch vụ y tế cho người mua BHYT... Nhưng vì sao chính BN vẫn chưa có được thói quen này? Bạn đọc (BĐ) Tran Thi nêu ý kiến: "Lợi ích thì đã rõ, nhưng tại sao người dân ngại xài, hoặc chưa xài? Cái này đi hỏi người dân là rõ. Trên thực tế, nhiều bệnh viện vẫn yêu cầu cả BHYT và CCCD".
Không ít BĐ phản hồi về thực tế "không như phản ánh của bệnh viện" khi BN mặc dù xuất trình CCCD gắn chip nhưng nhân viên y tế vẫn yêu cầu thêm thẻ BHYT. BĐ Tuấn Trần chia sẻ: "Tôi vừa đi KCB giữa tháng 6, bệnh viện vẫn giữ CCCD và thẻ BHYT khi tái khám. Khi lãnh thuốc bắt buộc phải trình sổ khám bệnh để nhân viên y tế đối chiếu và đóng dấu đã phát thuốc vào sổ khám bệnh". Cùng tâm trạng này, BĐ Đăng Xuân băn khoăn: "Chủ trương đúng, có tiện lợi. Nhưng khi thực hiện vẫn yêu cầu BN làm cam kết, cam đoan rằng tôi có thẻ BHYT đã được tích hợp trên CCCD. Khi hỏi tại sao đã tích hợp thẻ BHYT trên CCCD rồi mà còn phải làm cam kết, người ta trả lời rằng "bác đi hỏi nhà nước ấy". Thật không thể hiểu nổi!".
Đề cập đến câu hỏi vì sao tỷ lệ BN sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT còn thấp, BĐ xmenlatoiday nêu nhận xét: "Chưa có sự đồng bộ thì chưa có sự nhanh lẹ trong thủ tục. Giải quyết được khúc mắc này KCB BHYT bằng CCCD gắn chip mới thực sự tiện lợi".
Nghị trường Quốc hội sôi động vì chuyện đổi tên luật Căn cước công dân
ĐẨY mạnh tuyên truyền để thay đổi thói quen
Đa số BĐ cho rằng một khi tiện ích của CCCD gắn chip được mở rộng, không chỉ trong lĩnh vực KCB, người dân sẽ dần dà tạo cho mình một thói quen sử dụng CCCD gắn chip như một "chìa khóa vạn năng". Nhưng để thay đổi được thói quen, các cơ sở KCB cũng cần thường xuyên thông báo công khai cho người tham gia BHYT được sử dụng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID khi đi KCB. Không để xảy ra tình trạng từ chối KCB khi người dân cung cấp CCCD đã đồng bộ thông tin.
Nói thêm về câu chuyện "thay đổi thói quen", BĐ Minh Nghĩa chia sẻ: "Tôi đọc báo mới rõ là bảo hiểm khuyên BN KCB lần đầu thì nên mang theo thẻ BHYT hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID kèm giấy tờ tùy thân có ảnh. Lần thứ hai trở đi thì chỉ cần CCCD gắn chip. Nhưng lý do vì sao lần đầu phải như thế thì chưa thấy giải thích rõ, mà đa số là nhân viên y tế thường yêu cầu cần có luôn BHYT chứ không hỏi đi khám lần đầu hay không".
Góp ý cách giúp BN "quen thuộc hơn với cách thức mới", BĐ Trực Ngôn nêu: "Tôi đồng ý là phải tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân viên y tế và gia đình, người bệnh và thân nhân đến KCB được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích, từ đó thay đổi thói quen, sử dụng CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID khi đi KCB BHYT thay cho thẻ BHYT. Tốt nhất là có bộ phận phối hợp cả bảo hiểm, y tế và công an ngay tại bệnh viện luôn để hướng dẫn, giúp đỡ BN hoặc thân nhân người bệnh".
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Đề nghị công an chụp ảnh căn cước cho đúng và đẹp
Bình luận (0)