Lợi ích khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip

Duy Tính
Duy Tính
22/06/2023 06:00 GMT+7

Việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip đã được triển khai hơn 1 năm qua. Các cơ sở y tế, bệnh viện cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu đọc căn cước công dân, phần mềm…

Thế nhưng, nhiều bệnh nhân (BN) đi khám chữa bệnh (KCB) vẫn cầm cả căn cước công dân (CCCD) và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều BN khác thì ngần ngại, không muốn sử dụng CCCD gắn chip.

Thói quen cầm theo thẻ BHYT

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Q.Tân Phú (TP.HCM), lượng BN chờ đợi khá đông (BV có trung bình 3.000 - 4.000 lượt khám/ngày). Tới lượt, một nữ BN chìa ra CCCD và chưa đầy 30 giây sau, nhân viên tiếp nhận đã trả CCCD để bà nhanh chóng di chuyển về khu vực KCB. Bà không quên nói với PV Thanh Niên: "Cái này (ý nói KCB bằng CCCD - PV), tôi biết từ lâu rồi, nhờ con tôi nói".

Còn một BN khác ngồi ở dãy ghế chờ đến lượt đăng ký khám cơ xương khớp. Trên tay bà có cả CCCD và thẻ BHYT được cấp tháng 8.2021. Khi được hỏi bà có biết CCCD gắn chip có thể sử dụng để đăng ký KCB BHYT mà không cần thẻ BHYT hay không, bà lắc đầu. "Cầm 1 cái CCCD thì tiện đó, nhưng sợ nó trục trặc thì mệt. Xếp hàng chờ từ sáng tới giờ, lỡ có gì phải chạy về nhà lấy thêm thẻ BHYT hay sao? Vừa tốn công sức, vừa tốn tiền. Cái gì cũng chắc ăn đi", bà bày tỏ.

Lợi ích khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip - Ảnh 1.

Bệnh nhân đi khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Q.Tân Phú, TP.HCM

Theo nhân viên quầy tiếp nhận KCB BHYT của BV Q.Tân Phú, có đến 90% BN đến KCB BHYT bằng CCCD, rất tiện lợi. Nhưng hầu hết người sử dụng CCCD gắn chip đều kẹp thêm thẻ BHYT. Số còn lại là do CCCD làm trước thời điểm có tích hợp BHYT (từ tháng 7.2021 về trước); số này phải đối chiếu thông tin trên thẻ BHYT và CCCD hoặc bằng lái xe, giấy tờ tùy thân có ảnh. "Người trẻ, sinh viên thì họ biết chỉ cần sử dụng CCCD gắn chip là đủ. Còn người lớn tuổi họ kỹ lắm, mang cả thẻ BHYT, khi tiếp nhận chúng tôi trả lại thẻ BHYT là họ hỏi tại sao không tiếp nhận BHYT?", nhân viên tiếp nhận KCB BHYT của BV Q.Tân Phú cho hay.

Bộ trưởng Tô Lâm: Không có chuyện “cấp thẻ căn cước khiến công dân bị theo dõi” - Video tư liệu ngày 10.6.2023

Sợ mất CCCD gắn chip

Đại diện BV Q.11 (TP.HCM) cũng cho biết BV đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Khi tiếp nhận KCB BHYT, BV dặn dò người dân lần sau chỉ cần mang CCCD gắn chip là được, nhưng các BN cho hay muốn cầm thẻ BHYT đi khám hơn.

Lợi ích khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip - Ảnh 2.

Khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

DUY TÍNH

Tương tự, theo bác sĩ CK.2 Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), BV có 15 quầy tiếp nhận KCB BHYT. Chỉ cần CCCD gắn chip thì khi kiểm tra mọi thông tin BN BHYT đều được thể hiện rõ và liên thông với cổng thông tin của Bảo hiểm xã hội. "CCCD gắn chip giúp nhân viên đỡ tốn thời gian, nhanh, gọn, lẹ; kiểm tra đúng BN; kiểm tra được thông tuyến (lịch sử KCB của BN). Kiểm tra mọi thông tin chỉ trong vòng 30 giây và như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ cho BN. Hiện trung bình mỗi ngày BV có 4.000 - 5.000 BN đến khám, BN BHYT chiếm đến 80%", bác sĩ Mỹ Linh cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Mỹ Linh, BN lớn tuổi vẫn thích dùng thẻ BHYT bằng giấy, đồng thời do sợ thất lạc CCCD gắn chip nên vẫn xài thẻ CMND cũ. "Chúng tôi nói BN đưa CCCD gắn chip kể kiểm tra thông tin thì một số BN không chịu đưa, nói mất thì làm sao, rồi đưa ra CMND cũ, còn CCCD mới thì cất ở nhà", bác sĩ kể và nói thêm nếu BN không mang theo CCCD thì cần phải trình số CCCD, bằng lái xe, giấy tờ có ảnh.

Xem nhanh 12h ngày 22.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Mang lại nhiều tiện ích

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, hiện TP có 376/391 cơ sở KCB BHYT bằng CCCD, đạt 96,16%. Các cơ sở còn lại chưa thực hiện là do không có phát sinh người bệnh và chi phí KCB BHYT. Tính đến ngày 19.6, TP.HCM có hơn 4 triệu lượt KCB sử dụng CCCD, trong đó có hơn 3,2 triệu lượt khám sử dụng CCCD có thông tin.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM đánh giá việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả BN và các cơ sở KCB. Đồng thời góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính như rút ngắn thủ tục, thời gian chờ đợi của BN, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn... Việc này cũng đáp ứng lợi ích thiết thực trong khâu quản lý BN của cơ sở y tế trong việc minh bạch thông tin, tránh gian lận, trục lợi trong KCB.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM nhìn nhận vẫn còn trường hợp tra cứu thẻ CCCD nhưng không có thông tin vì đồng bộ dữ liệu về BHYT với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa đạt 100%. Hiện việc đồng bộ dữ liệu về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06 tại TP.HCM đạt 89%, còn 11% chưa được đồng bộ. Bảo hiểm xã hội TP.HCM đang phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn TP để đẩy nhanh cập nhật định danh cá nhân vào cơ sở dữ liệu và đồng bộ với cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, phấn đấu hoàn thành 100% vào cuối quý 2/2023. Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân sử dụng CCCD khi đi KCB. Đồng thời, đề nghị các cơ sở KCB thông báo công khai cho người tham gia BHYT được sử dụng CCCD có gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID khi đi KCB. Không để xảy ra tình trạng từ chối KCB khi người dân cung cấp CCCD mà thông tin đã được đồng bộ giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM lưu ý BN khi đi KCB lần đầu nên mang theo thẻ BHYT hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VSSID kèm giấy tờ tùy thân có ảnh. Trường hợp BN đã KCB BHYT bằng CCCD hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc VNEID. Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, BV cần thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT.

Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ sở KCB trực thuộc đẩy mạnh KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNEID. Theo Sở Y tế, tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các BV có KCB BHYT trên địa bàn TP đều đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh sử dụng còn thấp. Do vậy, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân viên y tế và gia đình, người bệnh và thân nhân đến KCB tại đơn vị được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích, từ đó thay đổi thói quen, sử dụng CCCD gắn chip, ứng dụng VNEID khi đi KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. Các đơn vị chủ động đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp phần mềm, thiết bị đầu đọc CCCD gắn chip có tích hợp module sinh trắc...) để sẵn sàng triển khai tích hợp, xác thực sinh trắc trong KCB BHYT bằng CCCD gắn chip.

Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện và quán triệt những nội dung trên đến tất cả nhân viên, phấn đấu mỗi cơ sở KCB BHYT đảm bảo có 80% lượt người bệnh thực hiện KCB bằng CCCD gắn chip hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2, hoàn thành trước ngày 30.6 theo chỉ đạo của UBND TP và Ban Chỉ đạo Đề án 06 của TP. 

Theo báo cáo của ngành công an, sau gần 1 năm triển khai, đã có 12.275/13.047 cơ sở KCB trên cả nước triển khai CCCD gắn chip tích hợp BHYT (đạt 94,08%), với 18,5 triệu công dân sử dụng CCCD đi KCB trên toàn quốc. Thanh Hóa là địa phương có số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD để KCB nhiều nhất với hơn 3 triệu người (chiếm 16,48%). Trong khi đó, Kiên Giang có số lượng ít nhất với 33.541 công dân (chiếm 0,18%). Việc triển khai, thực hiện giải pháp này đã tiết kiệm được khoản tiền in thẻ BHYT giấy (24,7 tỉ đồng so với năm 2021), được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.