Dùng tiền âm phủ để chiếm đoạt iPhone, tội cướp giật hay lừa đảo?

02/03/2023 19:00 GMT+7

Bị cáo dùng tiền âm phủ để chiếm đoạt 5 chiếc điện thoại iPhone, tòa án tuyên phạm tội cướp giật nhưng viện kiểm sát kháng nghị vì cho rằng phải là tội lừa đảo mới đúng.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định công bố 7 án lệ đã được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua. Trong đó có án lệ số 57/2023 về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội cướp giật tài sản.

Dùng tiền âm phủ để chiếm đoạt iPhone, tội cướp giật hay lừa đảo? - Ảnh 1.

TAND tối cao công bố án lệ số 57/2023 về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội cướp giật tài sản (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Theo nội dung vụ án, do không có nghề nghiệp ổn định và cần tiền tiêu xài, N.T.B (trú tại TP.HCM) nảy sinh ý định cướp giật tài sản.

B. lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội bằng việc mua sim số điện thoại khuyến mãi rồi tạo tài khoản trên ứng dụng mua hàng trực tuyến, đặt mua điện thoại iPhone 11.

B. còn chuẩn bị một số xấp tiền làm công cụ gây án. Các xấp tiền được buộc chặt bằng dây thun, có 2 tờ tiền thật ở trên và dưới (mệnh giá từ 50.000 - 500.000 đồng), ở giữa là tiền âm phủ.

Khi nhân viên giao hàng tới, B. lấy ra những xấp tiền được chuẩn bị từ trước. Hai bên đồng thời trao đổi hàng và tiền. Trong lúc nhân viên tháo dây thun kiểm đếm tiền, B. kiếm lý do rồi điều khiển xe bỏ chạy để chiếm đoạt điện thoại.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 1.2020 đến tháng 2.2020, B. thực hiện trót lọt 5 vụ việc, chiếm đoạt 5 chiếc iPhone 11 (nhiều phiên bản khác nhau) với tổng giá trị hơn 175 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt, B. mang các điện thoại đi bán, lấy tiền tiêu.

Tháng 8.2020, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt B. 6 năm tù về tội cướp giật tài sản. Gần một tháng sau, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vì cho rằng hành vi của B. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội cướp giật tài sản.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP.HCM nhận định, B. dùng thủ đoạn gian dối làm cho bị hại nhầm tưởng các xấp tiền là tiền thật, giữa B. và các bị hại đã giao nhận tiền và hàng. Mặt khác, bị cáo không nghề nghiệp, thực hiện liên tiếp 5 vụ việc và dùng tiền bán được từ tài sản chiếm đoạt để làm nguồn sống, do đó phạm tội với tính chất chuyên nghiệp.

Từ các căn cứ trên, đại diện viện kiểm sát đề nghị chấp nhận nội dung kháng nghị, sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án 6 năm tù.

Sau khi xem xét diễn biến phiên tòa, HĐXX phúc thẩm có quan điểm khác với đại diện viện kiểm sát. Theo tòa, B. dùng thủ đoạn gian dối để các bị hại thấy rằng mình có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm B. thực hiện hành vi chiếm đoạt điện thoại, các bên đang giao nhận hàng - tiền, việc chuyển giao tài sản chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn nằm trong tầm quản lý của bị hại.

Vì thế, hành vi của B. là cướp giật tài sản chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa sơ thẩm quyết định về tội danh với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Dù vậy, tòa phúc thẩm chấp nhận một phần nội dung kháng nghị của viện kiểm sát về việc xác định B. phạm tội với tính chất chuyên nghiệp. Cấp sơ thẩm khi tuyên án không áp dụng tình tiết này để quyết định hình phạt đối với bị cáo là thiếu sót.

Với các nhận định đã nêu, TAND TP.HCM quyết định giữ nguyên mức án 6 năm tù đối với B. về tội cướp giật tài sản.

Thông qua vụ án trên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định lựa chọn nội dung liên quan đến phần xác định tội danh của bị cáo N.T.B (theo quan điểm của HĐXX phúc thẩm) để làm án lệ số 57/2023.

Án lệ được Chánh án TAND tối cao ký quyết định công bố, đồng thời yêu cầu các TAND và tòa án quân sự nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày 27.3 tới đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.