'Dùng tiếng Việt có quá xì tin?'

Bích Thanh
Bích Thanh
24/10/2018 16:13 GMT+7

Tham gia vào dự án học tập có tên Trong tiếng Việt, sáng hồn Việt, em Đàm Thanh Tú, học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) cho rằng đây là cơ hội nhìn lại bản thân xem thời gian qua sử dụng tiếng Việt như thế nào, có quá 'xì tin' hay không...

Với mục đích hướng cho học sinh ý thức giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, tạo cho học trò có thói quen rèn luyện các kỹ năng nói và viết nhằm đạt được sự trong sáng của tiếng Việt, cô Trịnh Thị Minh Hương, tổ ngữ văn Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) đã cùng học sinh lớp 12 thực hiện dự án học tập có tên gọi Trong tiếng Việt, sáng hồn Việt.

Tham gia dự án theo năng lực và sở thích

Dự án thu hút khoảng 150 học sinh tham gia và được phân công công việc phù hợp với năng lực và sở thích. Cụ thể, nhóm Họa sĩ bao gồm 25 học sinh sẽ nhận nhiệm vụ vẽ tranh và sáng tác truyện tranh tuyên truyền, cổ động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhóm Điện ảnh tập hợp 20 thành viên thực hiện bộ phim ngắn với thông điệp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhóm có tên Nghiên cứu thì 10 thành viên sẽ phân chia nhau đi đến các khu vui chơi, thư viện, công viên, trường học tìm hiểu về thực trạng sử dụng tiếng Việt trong giới trẻ.

Học sinh vẽ tranh cho dự án Ảnh Minh Thi

Nhóm Sân khấu có 12 thành viên sẽ là những diễn viên không chuyên dùng nghệ thuật sân khấu làm phương tiện tuyên truyền về việc sử dụng tiếng Việt cho mọi người thông qua các vở kịch ngắn.

Đặc biệt, trong số học sinh tham gia, giáo viên sẽ chọn những học sinh có năng khiếu và am hiểu kiến thức về công nghệ thông tin vào nhóm Lập trình viên. Khoảng 10 thành viên của nhóm này sẽ thực hiện các trò chơi dùng kiến thức của bộ môn tiếng Việt và hướng tới rèn luyện việc sử dụng tiếng Việt trên nền tảng công nghệ thông tin.

Cơ hội nhìn lại việc dùng từ ngữ của bản thân

Qua việc tham gia dự án và thực hiện những nhiệm vụ theo sở trường và năng lực không chỉ là cơ hội để học sinh rèn các kỹ năng cần thiết như: thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán, xử lý thông tin..., mà theo cô Minh Hương, hoạt động còn giúp các em có nhu cầu và tự thân tiếp nhận nhiều kiến thức liên quan về đặc điểm loại hình của tiếng Việt, những yêu cầu trong sử dụng tiếng Việt một cách tự nhiên mà không phải phải ép buộc, nắm được các phương diện biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt, để từ đó biết cách sử dụng các kỹ năng nói và viết, có kỹ năng cảm thụ, đánh giá cái hay, cái đẹp của những lời nói, câu văn trong sáng... Và hơn hết, các em hiểu được trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Học sinh vẽ tranh để nhắc nhở việc sử dụng ngôn ngữ đúng cách Minh Thi
Tỏ ra hứng thú khi tham gia dự án, em Đàm Thanh Tú, học sinh Trường THPT Phú Nhuận, nhận xét em đã có cơ hội nhìn lại bản thân xem thời gian qua sử dụng tiếng Việt như thế nào, có quá “xì tin” hay không, có sử dụng từ ngữ “lai căng” hay không… để thay đổi, điều chỉnh. Đặc biệt, Thanh Tú cho rằng từ sự hiểu biết này, em có thể chia sẻ cho bạn bè trong việc sử dụng tiếng Việt đúng và gìn giữ vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt.

Cô Minh Hương cho hay trong kế hoạch thực hiện, dự án sẽ hợp tác các trường THPT khác để triển khai rộng rãi hơn, đồng thời liên kết với các trường THCS thực hiện dự án theo năng lực của học sinh THCS. Về lâu dài, dự án mong muốn hình thành trang web có chức năng chính là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhằm cung cấp kiến thức, đưa tin tức, viết những bài nghiên cứu… nhằm tạo ra thói quen sử dụng tiếng Việt trong sáng cho mọi người, nhất là giới trẻ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.