Đừng trông mặt mà bắt hình dong

02/03/2018 19:37 GMT+7

Nhiều người bảo với nhau rằng: đừng bao giờ phán xét người khác chỉ qua vẻ bề ngoài của họ. Bởi thực tế, có nhiều chuyện 'tưởng vậy mà không phải vậy'.

Mới đây, trên trang Taiwan News đăng tải lại câu chuyện hai thanh niên Việt, được cho là công nhân đang lao động ở Đài Loan, nhường ghế ngồi cho em bé trên một chuyến tàu đông đúc ở nước này, đã khiến nhiều người ấn tượng.
Mẹ em bé này đã chụp lại bức ảnh và đăng tải lên mạng, thu hút rất nhiều lượt yêu thích. Bức ảnh này cũng nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, nhận được nhiều bình luận. Và một trong những nội dung được bình luận nhiều nhất là: "Đừng vội đánh giá người khác, đặc biệt là nhân cách họ, chỉ qua vẻ bề ngoài", "đừng có xem mặt mà bắt hình dong"..., bởi lẽ trong bức ảnh này, cả hai thanh niên đều nhuộm tóc vàng.
"Nếu như không biết câu chuyện này, có lẽ phần lớn mọi người đều nghĩ hai chàng trai ấy là người không tốt, sống đua đòi. Cảm ơn bức ảnh này đã cho mình biết thay đổi suy nghĩ", Nguyễn Hoài Tâm, SV Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2 TP.HCM, cho biết.
Cũng từ câu chuyện của "hai chàng công nhân nhuộm tóc có hành động đẹp", nhiều câu chuyện tương tự cũng được mọi người kể lại, chia sẻ, và góp phần chuyển tải thông điệp: "Đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài".
Trương Văn Hòa (29 tuổi, nhân viên công ty du lịch My Tour TP.HCM) cho biết anh làm mất giấy tờ ngày 22.1. Sau đó 2 ngày đã nhận được cuộc gọi của một thanh niên cho biết có nhận được ví ở khu vực quanh chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM).
"Lúc mình đến nhận lại ví, giấy tờ và tiền còn nguyên vẹn trong ví. Mình càng bất ngờ hơn khi người thanh niên cho lại ví có nhiều hình xăm trên cánh tay. Từ trước đến giờ, mình cứ nghĩ người nào xăm đều là người không tốt. Nhưng kể từ đó, mình biết mình đã sai. Không phải ai xăm thì cũng là người không tốt cả", Hòa cho biết.
"Thời gian trước mình có định kiến với những cô gái cắt tóc ngắn, cho rằng họ là những người 'ghê gớm' lắm. Nhưng có lần đang chạy xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), hai cô gái ăn mặc rất cá tính, đi phía sau và nhắc mình 'bạn ơi, bạn quên gạt chân chống xe kìa'. Hay có lần cũng có cô gái đeo bông tai ở vành tai, nhìn vào mình thấy cô gái ấy 'dữ dữ'. Nhưng khi đến ngã tư, cô gái ấy chính là người xuống xe giúp một cụ già qua đường. Những hình ảnh ấy đã giúp mình thay đổi những định kiến vô tinh áp đặt không đúng cho nhiều người bấy lâu nay", Trần Diễm Nguyên, SV Trường ĐH Sài Gòn, kể.
Còn vô số câu chuyện "tưởng vậy mà không phải vậy" được bạn trẻ kể lại. Như nhiều người kể từng chứng kiến hoặc là người trong cuộc khi là nạn nhân của cướp giật mà kẻ cướp "vào vai" thanh niên hiền lành, chất phác.
"Đúng là những vỏ bọc bên ngoài chưa nói lên điều gì cả. Để biết một người nào đó tốt hay xấu, nếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài rồi nhận xét thì không thể nào chính xác được", Nguyên nói thêm.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), trong cuộc sống hiện nay, việc trông mặt mà bắt hình dong nhiều lắm. "Như hai người đàn ông xem phim thường bị gán ép là đồng tính hay chắc chắn có gì với nhau. Một số bạn trẻ xăm mình, đeo bông nghĩ ngay đến chuyện hư hỏng, quậy phá. Một số cô gái cá tính, cắt tóc ngắn... nghĩ ngay đến chuyện là les, là ghê gớm lắm thay, là người khó chinh phục, là người quái...".
Theo ông Sơn, việc đánh giá chủ quan và cảm tính về người khác dễn đến những nhận định rất dễ sai lầm và thậm chí là "bé cái nhầm"... Hơn thế nữa, chính điều này tạo ra những thành kiến hay định kiến không đáng có trong cuộc sống. Theo đó, người bị đánh giá sẽ dễ dàng mất tự tin, sẽ mệt mỏi, sẽ cố gắng giải thích, sẽ cố gắng thay đổi (nếu yếu đuối), sẽ làm mất cá tính hay thậm chí là tài năng của mình. Còn người đánh giá trở nên khắc nghiệt, vô duyên, thậm chí là quá thiếu tính bao dung, thiếu tính tôn trọng hay thậm chí trở thành người bất lịch sự.
Ông Sơn chia sẻ thêm, vẻ ngoài rất quan trọng trong giao tiếp. Thế nhưng cần song hành với bên trong - năng lực, khả năng đích thực, cá tính và thậm chí là chất riêng của mình. Chính vì thế, để đánh giá con người cần dựa vào con người đó thể hiện thế nào. Không chỉ là hình thức mà sâu sắc hơn là lời nói, hành động và sự cư xử cũng như việc làm của họ. Đặc biệt hơn, chính là hành động có văn hóa và đạo đức của họ song song với khả năng đích thực. Tất cả điều đó dựa trên một quá trình chứ không phải là việc của một giờ, một ngày.
"Hãy bớt đi sự đánh giá nếu không cần thiết. Bớt đi một chút đánh giá, một chủ quan, khắt khe thì sự thoải mái sẽ về", ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.