Nhưng, những điều mà phần lớn các trường cho đó là khó khăn lại chưa phải là bản chất vấn đề mà các trường tư hiện nay đối diện. Lẽ ra, trong những hội nghị quan trọng thế này, vấn đề mà cả lãnh đạo các trường cần đặt ra là nhà nước làm gì để nền giáo dục tư phát triển, như các nước khác? Bản thân các trường ngoài công lập cần phải nâng cao chất lượng như thế nào để đạt uy tín với người học?
Trong một cuộc phỏng vấn với hiệu trưởng một trường ĐH tư thục được xem là uy tín hiện nay, khi tôi đặt vấn đề các trường ngoài công lập hiện đang gặp khó khăn; để vượt qua, các trường phải làm gì, vị hiệu trưởng này nói chắc nịch: “Chỉ có một công thức: Chăm lo cho chất lượng. Bằng chất lượng và uy tín, nghĩa là nói sao làm vậy. Những trường thật sự muốn tiến thì họ dần dà cũng phải đi vào con đường chất lượng mà thôi”. Nhắc lại điều này để khẳng định rằng tuyển sinh không được, có sự phân biệt đối xử công tư - thật sự không phải là khó khăn của riêng trường tư. Vì thế, dù trong cùng một hoàn cảnh nhưng bên cạnh những trường tư èo uột, bát nháo vẫn có những trường tạo được danh tiếng.
Nhưng với những bất cập, sự không minh bạch về chính sách hiện nay, các trường tư rất khó lòng phát triển mô hình này như ở các nước khác.
Những bất ổn của hệ thống trường tư trong thời gian qua một phần do các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục tư chưa đồng bộ, rõ ràng.
Giáo dục là một dịch vụ đặc biệt nên con đường phát triển của trường tư phải theo hướng của một cơ sở giáo dục chứ không phải doanh nghiệp. Thế nhưng quy chế tổ chức hoạt động của trường ĐH tư hiện nay lại theo kiểu người càng góp vốn nhiều, càng nhiều tiền, càng có quyền lực. Hội đồng quản trị có quyền hạn quá lớn trong việc quyết định đường hướng phát triển của nhà trường khiến vai trò của hiệu trưởng, hội đồng khoa học trở nên mờ nhạt. Đối với những trường mà hội đồng quản trị là những người chỉ thuần về kinh doanh, không quan tâm đến giáo dục thì trường ngày càng đi xa khỏi con đường giáo dục mà chủ yếu để kinh doanh. Thế là mâu thuẫn nội bộ phát sinh, trường không còn tâm sức đâu lo toan đến việc nâng cao chất lượng, chăm chút đào tạo sinh viên.
Một câu hỏi rất lớn nhưng bao nhiêu năm nay chưa có một chính sách nào rõ ràng khiến các trường lúng túng khi tìm đường hướng phát triển. Đó là cơ chế hoạt động của trường tư là vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận?
Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ đầu năm 2013 xác định mô hình trường ĐH tư hoạt động không vì lợi nhuận. Điều 12 của luật Giáo dục ghi rõ ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục ĐH vì mục đích vụ lợi. Nhưng luật không đề cập gì đến mô hình vì lợi nhuận. Theo nhiều nhà giáo, chính sự ngập ngừng, không rõ ràng này của luật đã tạo cơ chế cho không ít trường núp bóng hoạt động vì lợi nhuận nhưng vẫn cho là không vì lợi nhuận.
Vậy nếu đã có những chính sách khuyến khích không vì lợi nhuận thì luật cũng đưa ra những điều không khuyến khích mô hình vì lợi nhuận để mọi chuyện rõ ràng. Ai chấp nhận kiểu nào thì phát triển trường theo hướng đó, tránh nhập nhằng.
Nếu giải quyết được những vấn đề này, trường tư sẽ có một cơ chế thuận lợi để phát triển. Xã hội, do đó cũng không còn cái nhìn lệch lạc về trường tư. Đó là điều các trường tư đòi cho bằng được chứ không phải đòi có những ngoại lệ kiểu thêm chỉ tiêu, chính sách tuyển sinh đặc biệt, bình đẳng với trường công...
Thùy Ngân
>> Trường ngoài công lập: Thiếu chính sách làm đòn bẩy phát triển
>> Công bố danh sách 53 trường được tuyển sinh riêng
>> Công bố lịch thi tuyển sinh năm 2014
>> Công bố thông tin tuyển sinh mới nhất tại Nam Định
Bình luận (0)