Dùng vũ lực sau khi va quẹt xe: Văn hóa giao thông xuống cấp!

05/01/2021 18:31 GMT+7

Chọn cách xử lý vấn đề bằng cơ bắp sau khi va quẹt xe hay chỉ là cái nhìn không ưng mà đánh nhau của một bộ phận người trẻ đang khiến nét đẹp trong văn hóa giao thông ngày càng xuống cấp.

Văn hóa giao thông đang báo động

Liên quan đến vụ một nam thanh niên bị đánh chảy máu ở vùng mặt sau khi nhắc nhở một tài xế di chuyển để tránh gây tắc đường, khiến cộng đồng mạng bức xúc. Cụ thể, vào tối 31.12.2020, nam thanh niên kể trên lái ô tô lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến theo hướng đi Nguyễn Xiển. Khi đến khu vực quay đầu, đoạn trước khu tập thể C2 (P.Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thì phát hiện xe ô tô bán tải mang biển số 29C - 583.XX do người một đàn ông cầm lái, đang dừng đèn đỏ để chờ đi thẳng ở lối rẽ trái.
Qua nhiều lượt đèn tín hiệu giao thông, chiếc xe bán tải vẫn không di chuyển khiến các phương tiện phía sau bị ùn ứ. Lúc này, nam thanh niên xuống xe, tiến lại nhắc nhở thì đôi bên xảy ra cự cãi. Sau một hồi cãi vã, bất ngờ, tài xế xe bán tải lao vào đấm túi bụi vào vùng mặt nam thanh niên, khiến nạn nhân bị chảy máu và gãy răng, phải nhập viện điều trị, còn tài xế xe bán tải lái xe rời đi.

Nguyễn Mỹ Anh dùng gậy sắt đập phá xe máy của người đi đường vào hôm 24.9.2020

Qua sự việc trên nhiều bạn trẻ cho rằng văn hóa giao thông hiện nay của người Việt đang có nhiều vấn đề cần bàn. Nguyễn Minh Chiến (28 tuổi, làm nghề quay phim, đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết không khó để thấy những vụ đánh nhau hoặc cãi vã trên đường của nhiều người hiện nay. Chỉ vì những va quẹt nhỏ hoặc những cử chỉ khi chạy xe cũng dẫn đến những cự cãi không đáng có trên đường. Theo Chiến, những vụ cãi nhau, đánh nhau ngay trên đường sau khi va quẹt bắt nguồn từ nguyên nhân người đi đường thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Từ những điều nhỏ nhất như không chịu chờ đèn đỏ hoặc chạy không đúng làn đường dẫn tới mâu thuẫn. 
Phạm Hà Khánh (32 tuổi, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết việc va chạm giao thông trên đường là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy, điều đáng báo động hiện nay là mật độ giao thông đang quá tải dẫn đến va chạm nhau trên đường diễn ra ngày càng nhiều hơn. Về chuyện đánh nhau lại càng đáng báo động hơn. Thỉnh thoảng lại thấy đâu đó xuất hiện hiện tượng đánh nhau chỉ vì va quẹt giao thông. Đối tượng thường là những người trẻ, thiếu ý thức với giao thông. Những người trẻ này thường thích sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề. Lý lẽ của người chiến thắng là bằng cách đánh nhau.
“Tôi hay bị chèn, va quẹt trên đường nhưng chỉ cần cười gật đầu xin lỗi thì ai cũng vui. Có như vậy tình hình sẽ nhẹ nhàng hơn, ai nấy cũng vui vẻ đi tiếp”, Khánh nói.

Dễ lây lan nhận thức sai lầm

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An chia sẻ nhìn tổng thể trong thời gian qua cơ quan chức năng đã tuyên truyền về luật an toàn giao thông rất nhiều nhưng không phải ai cũng nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ. Theo cái nhìn tổng thể về ý thức thực thi pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay vẫn còn hạn chế và văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông vẫn còn kém. Minh chứng rõ nét là có không ít trường hợp khi va quẹt họ dùng nắm đấm để giải quyết trước khi cảnh sát giao thông can thiệp.
Những hành xử không hay khi tham gia giao thông sẽ tác động nhất định đến tâm lý con người. Cụ thể với những người trong cuộc thì cảm xúc, trạng thái tâm lý từ đang ổn định có thể chuyển sang những biểu hiện tiêu cực như lo lắng, hoảng hốt, sợ hãi, hoặc tức giận, hành động thô lỗ, bạo lực...

Va quẹt xe dẫn tới đánh nhau trên đường CMT8, P.10, Q.3, TP.HCM

Không những vậy còn tạo nên sự hoang mang, mất niềm tin vào tình người của những người tham gia giao thông khác. Chưa kể đến chuyện những hình ảnh thiếu văn hóa đó có thể để lại dấu ấn xấu của những người chứng kiến và có thể trở thành hành động vô thức, căn bệnh dễ lây lan khi người khác rơi vào tình huống tương tự.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh chở con trên đường nhưng không gương mẫu chấp hành luật khi tham gia giao thông là điều rất đáng lo ngại. Việc không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... nhiều lần có thể tạo thói quen thiếu tích cực nơi các bé. Chưa kể ở tuổi nhận thức còn hạn chế, trẻ có thể nhận thức lệch lạc và có thể trở thành “mầm mống” ở tương lai. Nhìn vấn đề mang tính chiều sâu hơn, những hành động không tuân thủ luật có thể nguy hiểm về tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào.
“Việc cải thiện văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông được xem là bài toán lớn cần thực thi từ cấp vĩ mô đến vi mô và cần toàn xã hội cùng chung tay xây dựng. Tôi cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là những hoạt động tác động đến nhận thức của người dân, đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi dưới góc độ tâm lý học, yếu tố nhận thức được xem là nền tảng và là cơ sở để thay đổi thái độ, hành vi của con người. Thiết nghĩ người trẻ khi tham gia giao thông cần ý thức được rằng việc tuân thủ luật không chỉ là cách bảo vệ tính mạng của chính mình và người khác mà còn thể hiện sự văn minh giữa xã hội vô cùng bề bộn như hiện nay”, thạc sĩ An nói.

Cần mạnh tay xử lý hành vi vi phạm luật giao thông

Về mặt pháp luật, luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Công ty luật 360) cho rằng văn hóa giao thông kém gây thêm nhiều hệ lụy khác nhau, là vấn đề nhức nhối trên của nước ta hiện nay. Mỗi ngày, người dân cả nước phải đối mặt những tai nạn thảm khốc do người tham gia giao thông không tuân thủ qui định hoặc do nhận thức thấp kém dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tất cả những thiệt hại do tai nạn giao thông đa phần đều xuất xuất phát từ hệ lụy văn hoá giao thông xuống cấp của người dân. Bên cạnh đó, chưa nói những hệ lụy từ việc ẩu đả, tranh cãi khi có những sự cố tham gia giao thông dẫn đến những hậu quả đáng tiếc…
Luật sư Tri Đức nói: “Những hành vi phi văn hóa trên đường phố hiện nay đáng báo động. Tôi cho rằng chúng ta có đủ các hành lang pháp lý chuyên ngành về luật giao thông cũng như “luật phổ biến pháp luật”… Có cả một cơ quan chuyên trách về an toàn giao thông quốc gia tuy nhiên đến nay một số bộ phận người dân còn không chấp hành tuân thủ quy định pháp luật cũng như văn hóa giao thông là thực trạng xảy ra hằng ngày”.
“Tôi thiết nghĩ việc thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành cũng như các cơ quan thực thi pháp luật chưa được đồng bộ, triệt để, mạnh tay đối với các sai phạm hệ lụy từ văn hóa tham gia giao thông”, luật sư Đức nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.