Có chiều hướng quay lại
Thời gian gần đây câu chuyện anh hùng, giang hồ mạng Ngọc Rambo rộ lên lần nữa trên các nền tảng mạng xã hội. Ngọc Rambo được nhiều người biết đến như một giang hồ mạng, với nhiều hình xăm lớn trên cơ thể. Anh sở hữu kênh YouTube có tên Ngọc Rambo có tới 456.000 người theo dõi. Những video của Ngọc có nội dung rao giảng đạo lý, cách sống của người trong giang hồ hoặc giải quyết các vụ xung đột theo cách bạo lực. Những video của Ngọc có tới hàng trăm ngàn lượt xem sau nhiều ngày đăng tải.
Chiều 23.12, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Thanh Ngọc (hay còn gọi Ngọc ‘rambo’, 31 tuổi) và đồng phạm để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Nguyên nhân vụ việc sau khi Ngọc nhận được thông tin một người quen bị mất máy tính xách tay và nghi ngờ anh Nguyễn Trường A. (16 tuổi, trú xã Thái Sơn, H.Hàm Yên, Tuyên Quang) là thủ phạm. Ngày 16.8, Ngọc “rambo” và Hùng đã bắt A. về nhà để tra khảo và ép người thân mang máy tính xách tay xuống để chuộc A. về. Quá trình tra khảo, Ngọc Rambo đã quay lại video và đăng tải lên kênh YouTube Ngọc Rambo. Hiện tại kênh YouTube Ngọc Rambo đã không còn hiển thị .
Trước đó, những hiện tượng giang hồ mạng như Khá Bảnh, Phú Lê, Huấn Hoa Hồng… với những hình ảnh hào nhoáng, giàu có và nghĩa hiệp liên tục chiếm sóng trên không gian mạng. Những đoạn clip ăn chơi, cách dạy đời, dạy đàn em, giao lưu anh em giang hồ của những người này được giới trẻ theo dõi liên tục. Lo ngại hơn là các kênh YouTube này có đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi. Sau đó những video clip này, nhân vật gây ảnh hưởng xấu đã bị pháp luật xử lý với nhiều hình thức khác nhau.
Lệch chuẩn đạo đức xã hội
Về những hiện tượng này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng đây là một vấn nạn của thời đại. Việc giải quyết mâu thuẫn bằng cách kéo đám đông những người xăm trổ đến để uy hiếp người khác rồi đăng tải những hình ảnh đó lên mạng xã hội là hành động trái pháp luật và lệch chuẩn đạo đức xã hội.
Về nguyên nhân của hiện trạng trên, chuyên gia Đặng Hoàng An phân tích tỷ lệ các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội ngày càng lớn. Xã hội ngày càng phát triển kéo theo hàng loạt các giá trị văn hoá ồ ạt du nhập vào Việt Nam, trong khi người trẻ đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, sự gạn lọc thông tin còn hạn chế thì việc hằng ngày chứng kiến những hình ảnh anh hùng, giang hồ mạng ít nhiều các bạn trẻ bị tiêm nhiễm.
Theo đó, giới trẻ rất dễ rơi vào trường hợp bắt chước, thực hành theo các anh hùng, giang hồ mạng. Hệ luỵ trước mắt là có thể văng tục, chửi thề, hành động thô bạo,... nguy cơ tiềm ẩn là những hình ảnh thiếu văn minh dễ ghi dấu lại và có thể bộc lộ ra bằng thái độ, hành động khi gặp hoàn cảnh tương tự...
|
“Nhìn vấn đề rộng hơn có thể thấy những hình ảnh từ mạng xã hội ảo có thể thành thật ở ngoài đời. Và vô hình trung tạo ra một bức tranh đáng lo ngại về giá trị sống của giới trẻ ngày nay”, chuyên gia này cho hay.
Nhà quản lý cần mạnh tay hơn!
Về góc độ xã hội học, thạc sĩ Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, nói về các YouTuber Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Ngọc Rambo dùng mạng xã hội để truyền bá hình ảnh khác với các chuẩn mực xã hội là điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng mới của xã hội.
Nhóm người này lợi dụng sự quản lý chưa chặt chẽ trong việc truyền bá các hình ảnh nhằm cổ xuý cho các hành động thiếu chuẩn mực xã hội. Vấn đề nằm ở khâu quản lý của nhà cung cấp dịch vụ, ở đây YouTuber không kiểm soát hết nội dung gây ảnh hưởng xấu đối với cộng đồng.
Việc người trẻ theo dõi các clip của nhóm người này là do tò mò, còn việc giới trẻ làm theo hay có thể gây ảnh hưởng xã hội thế nào thì chưa thể đánh giá khi chúng ta chưa có một nghiên cứu cụ thể về các hiện tượng này.
Tuy nhiên, việc giang hồ mạng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền các hành động nhằm mục đích có lợi cho bản thân, đi ngược lại lợi ích cộng đồng là một việc đáng lên án. Điều này, cần sự mạnh tay hơn đối với nhà quản lý.
Giới trẻ Việt Nam hiện sử dụng mạng xã hội chiếm đa số, nhưng định vị được trách nhiệm bản thân và có hành động phù hợp với chuẩn mực xã hội còn có độ vênh rất lớn. Chuẩn mực xã hội là thước đo trách nhiệm và vai trò công dân xã hội, hiện không ít bộ phận giới trẻ còn xem thường, dẫn tới việc thần tượng các đối tượng có các hành động nguy hại cho xã hội. Các hệ luỵ từ mạng xã hội đối với giới trẻ đã xảy ra, nhưng việc tuyên truyền từ phía gia đình và nhà trường còn ít, thiếu sự quan tâm, tạo ra lỗ hổng lớn. Có hiện tượng cha mẹ phó mặc con cái cho nhà trường, thiếu lỗ hổng kiếm soát của gia đình là một trong nguyên nhân lớn đối với người trẻ.
Câu view kiếm tiền, hệ lụy vô cùng lớnBùi Hoàng Long (24 tuổi, ngụ đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng các clip về giang hồ mạng cần phải xóa bỏ khỏi tất cả mạng xã hội. Theo Long những người thường tỏ ra “nguy hiểm” trên không gian mạng để câu “view” kiếm tiền hoặc thể hiện mình bằng những hành vi vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được. “Điều này sẽ làm giới trẻ học theo. Ví dụ như những vụ kéo đám đông đến uy hiếp người khác hoặc những câu nói của Huấn Hoa Hồng hiện nay được giới trẻ xem như một trào lưu thời thượng...”, Long nói.
Võ Văn Đạt (30 tuổi, đang làm nhân viên Marketing) cho biết: “Tôi hay nói vui là, giang hồ mạng đi đâu cũng cầm theo cục phát wifi, mất mạng là mất địa bàn. Từ "giang hồ mạng" giờ không còn xa lạ với giới trẻ nói riêng và mọi người nói chung. Cứ ai xăm trổ đầy mình, xuất hiện nhiều, dám thách thức người này người nọ là được cộng đồng mạng gán với cái tên "giang hồ", không cần biết ngoài đời họ thế nào. Nhiều người cố tình xăm mình để câu view kiếm tiền bất chấp, nhưng hệ lụy để lại vô cùng lớn, trẻ con xem được sẽ bắt chước làm theo, tạo ra những "anh hùng rơm" thời đại 4.0”.
|
Bình luận (0)