Đăng video clip đánh ghen lên mạng xã hội: Ảnh hưởng xấu đến giới trẻ

18/09/2020 19:01 GMT+7

Trong những ngày gần đây, câu chuyện đánh ghen liên tục được đăng tải lên mạng xã hội . Nhiều chuyên gia cho rằng đăng tải hình ảnh người khác là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người trẻ.

Liên tiếp nhiều vụ đánh ghen xuất hiện trên mạng

Thời gian gần đây bỗng nhiên nhiều vụ đánh ghen liên tiếp được phát tán rộng khắp mạng xã hội. Những vụ việc do người trong cuộc chủ đích vừa đánh ghen vừa đăng tải lên cộng đồng mạng, hoặc có khi những người không liên quan với vai trò quan sát cũng phát tán những hình ảnh về một số vụ đánh ghen của người khác. Tuy vậy, những tưởng đơn giản nhưng kéo theo nhiều hệ luỵ xấu với nhiều người có liên quan.
Đơn cử là hồi giữa tháng 8, một vụ đánh ghen của một cô gái được cho là giảng viên ĐH với chồng cũ khiến mạng xã hội ầm ĩ thời gian dài. Trong clip được nữ giảng viên này đăng tải lên trang cá nhân của mình và cho rằng chồng đang có hành vi ngoại tình với một phụ nữ khác. Sau khi công khai chuyện đánh ghen trên mạng xã hội, lập tức cuộc sống về đời tư của người liên quan bị ảnh hưởng bởi bị cộng đồng mạng đào sâu.
Đến giữa tháng 9 này, một vụ được cho là đánh ghen khác xảy ra tại Hà Nội cũng làm xôn xao cộng đồng mạng.

Điều tra vụ đánh ghen trên phố Lý Nam Đế bên xe Lexus gây xôn xao

Theo đó, vụ xô xát xảy ra giữa người phụ nữ đi xe ôm đến hiện trường và người đàn ông đi với cô gái trẻ trên chiếc xe Lexus LX570 sang trọng. Trong lúc người chứng kiến vụ việc bức xúc vì người đàn ông bảo vệ cô gái trẻ, ra tay thô bạo với người phụ nữ thì xuất hiện nữ hiệp “xăm trổ” ra tay “giúp” người phụ nữ đảo ngược tình thế. Vụ việc xảy ra chớp nhoáng (5 phút) gây ầm ĩ mạng xã hội suốt hôm qua với việc dân mạng chia sẻ hình ảnh, thông tin về các nhân vật “tham chiến” tại hiện trường: cô gái trẻ, người đàn ông, nữ hiệp và cả anh xe ôm.

Một vụ được cho là đánh ghen tại Hà Nội cách đây không lâu

Mới đây nhất, Công an xã Cẩm Lĩnh (H.bà Vì, Hà Nội) đã triệu tập ít nhất 3 người phụ nữ liên quan đến vụ đánh ghen, lột đồ một cô gái trẻ, xảy ra tại quán cà phê Bến Thủy (xã Cẩm Lĩnh) vào tối 16.9, để làm rõ sự việc. Nguyên nhân do trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh 3 - 4 người phụ nữ lao vào đánh túi bụi cô gái trẻ vì đã “phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác”, xảy ra một quán cà phê. Ngoài việc hành hung, chửi bới, những người phụ nữ này còn cố gắng lột đồ cô gái, mặc sự can ngăn của mọi người.
Xem nhiều clip đánh ghen có thể bị tiêm nhiễm
Phân tích về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng trước giờ chuyện đánh ghen vẫn diễn ra, nhưng dưới thời đại công nghệ số hiện nay thì hình thức có nhiều thay đổi. Mọi người đều có thể sở hữu các thiết bị để ghi lại những hình ảnh nào đó. Bên cạnh việc người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, sử dụng với mục đích tốt thì không phải ai cũng ý thức tính hai mặt của mạng xã hội. Thêm vào đó là sự quản lý, áp dụng luật chưa chặt chẽ của mạng xã hội. Cho nên các video clip, hình ảnh về đánh ghen, bạo lực dễ dàng được tải về, chia sẻ tràn lan.
Hằng ngày mọi người chứng kiến các câu chuyện, hình ảnh, video clip đánh ghen đủ kiểu và nhiều hình thức trên mạng xã hội ít nhiều bị tiêm nhiễm. Những hình ảnh tiêu cực ấy vô hình trung sẽ được ghi lại trên vỏ não và có thể chuyển hoá thành hành động của ai đó khi rơi vào tình huống tương tự.
Trong khi đó, khi quá nóng giận, tâm lý người trong cuộc thường thiếu sự kiểm soát và xuất hiện các cảm xúc tiêu cực (phẫn nộ, tức giận,...) dẫn đến tâm lý chung thường là muốn làm ‘ra ngô ra khoai’, quay lại để tố giác lỗi lầm của đối phương, số khác còn mang tâm lý muốn làm nhục kẻ phản bội và con “giáp thứ 13”.
“Các vụ đánh ghen có chủ đích và được ghi hình lại một phần vì muốn có cái để làm bằng chứng, phần khác vì khi cảm xúc tiêu cực 'ngự trị' thì cả suy nghĩ và hành động sẽ thiếu chính chắn. Theo đó họ dễ hành xử theo bản năng. Thứ yếu một phần do tâm lý muốn gây sự chú ý với nhiều người. Bởi mạng xã hội bây giờ tin xấu, tin giật tít rất được chú ý và lan truyền mạnh mẽ. Nhìn chiều sâu hơn có thể thấy con người chúng ta có tập tính dễ bắt chước”, Thạc sĩ An nói.
Thạc sĩ An kết luận, ngoài người có liên quan trực tiếp thì người thân trong gia đình như cha mẹ và con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng. Con cái tủi hổ với thầy cô, bạn bè khi mọi người biết nhân vật trong đoạn clip đánh ghen là cha mẹ mình. Hành vi ứng xử thiếu văn minh từ các đoạn clip có khi trở thành cách để người khác áp dụng và tiêm nhiễm thế hệ trẻ.

Đăng tải hình ảnh của người khác là vi phạm pháp luật

Về mặt luật pháp, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Công ty Luật Chính Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng tôi việc đánh ghen được đăng lên mạng xã hội rầm rộ như vậy thời gian gần đây là điều rất không nên.
Thứ nhất là gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều người nhất là người trẻ như trẻ nhỏ vô tình xem các video này sẽ bắt chước các hành vi xấu, lời nói thiếu văn hóa. Các video trên có thể là tác nhân gây ra nạn bạo lực trong gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực học đường. Đây là những nội dung mà các quy định của pháp luật đang điều chỉnh bảo vệ.
Thứ hai, việc xảy ra các hành vi vi phạm như trên có thể tạo ra thói quen coi thường pháp luật, thờ ơ trước pháp luật của người dân. Và có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc như người vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, người bị xâm hại thì có thể bị ảnh hưởng sức khỏe, bị mất danh dự,…
Thứ ba, sự lan truyền, thu hút người xem, người tranh luận trên báo chí, mạng xã hội… về các sự việc này làm kéo theo sự tò mò, kích thích theo dõi các câu chuyện xoay quanh đó thì có thể làm ảnh hưởng không tốt đến chính công việc, cuộc sống của chúng ta, làm ảnh hưởng tiêu cực các khái niệm về thẩm mỹ, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa tinh thần, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Trường hợp một số người không phải là người trong gia đình (chồng hoặc vợ) nhưng ở ngoài quay lại những cảnh đánh ghen nếu lại đăng lên mạng xã hội hoặc phát tán, lan truyền các hình ảnh đó mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh thì cũng là hành vi xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh như phân tích ở trên. Họ cũng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.