Anh Nguyễn Thanh Liêm, thành viên Nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống tại TP.HCM, chia sẻ như thế, rồi anh nói tiếp: “Tâm lý của cha mẹ là thấy cái gì cũng cần dạy cho con nhưng chưa biết được cái gì là ưu tiên số 1, số 2…, thử đặt hoàn cảnh giữa một kho vàng và một ổ bánh mì, khi bạn gần chết vì đói thì bạn sẽ chọn cái gì?”.
Anh Thanh Liêm đúc kết: Trẻ con là những trang giấy trắng, ta viết gì lên đó hôm nay thì tương lai nó sẽ như vậy, nhưng đừng quá tham lam, ôm đồm nhiều quá. Trang giấy nào cũng có giới hạn của nó, tẩy xóa thì nó lem luốc, viết không đúng nội dung cần, viết không đúng loại mực thì chúng chỉ là tờ giấy nháp tương lai”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thúy Hạnh, ngụ trên đường Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Q.2 (TP.HCM), chia sẻ: “Thời buổi ngày nay là chuyên môn hóa lao động, ai có thế mạnh, sở trường gì thì phát huy thế mạnh và sở trường đó. Chúng ta không thể bắt một người giỏi chơi nhạc lại đi làm công nhân được, sẽ lãng phí tài năng của họ”.
Từ những lập luận ấy, chị Hạnh nói: “Dạy cho con trẻ cũng thế, dạy cho chúng cái nào thật sự cần cho tương lai. Nói chung con bạn có năng khiếu gì thì hãy dạy cho đúng, cho phù hợp”.
Theo thạc sĩ tâm lý Hứa Ngọc Bích, làm việc tại Công ty Sức sống (Q.Tân Bình, TP.HCM), bên cạnh chương trình giáo dục quá tải hiện nay, phụ huynh cũng là tác nhân quan trọng trong việc thúc ép con cái học quá mức, học quá nhiều thứ linh tinh, đôi khi không thật sự cần thiết, phù hợp với năng lực của trẻ.
“Cha mẹ cứ nghĩ rằng con phải giỏi hết các môn thì sau này mới thành công, rồi bắt con học đủ thứ, nào là học thêm ngoại ngữ, toán, văn, lý; học múa, hát, đàn… mà không cần biết là chúng có thích hay có khả năng hay không và dường như không hề để ý tới những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp, rèn luyện sức khỏe, chiều chuộng con như chiều cái máy để học cho cha mẹ tự hào”.
Thạc sĩ Bích khuyên: Cha mẹ hãy dành thời gian nhiều để chơi và hiểu con trẻ cần gì, có năng khiếu gì, dạy gì cho trẻ để chúng phát triển tốt trong tương lai...
Bình luận (0)