Đừng xóa ký ức đô thị

Đình Phú
Đình Phú
19/04/2018 06:26 GMT+7

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đang triển lãm phương án do Công ty Gensler (Mỹ) thiết kế quy hoạch chi tiết và kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM để người dân tham quan, góp ý đến ngày 1.5 trước khi triển khai xây dựng.

Sẽ “bứng” luôn dinh thượng thơ ?
Trong ô phố Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (P.Bến Nghé, Q.1) rộng khoảng 18.000 m2 có hai công trình kiến trúc tiêu biểu gắn liền với lịch sử đô thị Sài Gòn - TP.HCM. Tiêu biểu nhất là khối công trình kiến trúc cổ nổi tiếng được xây dựng từ năm 1889, đến nay đã 129 năm tuổi, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp, nằm ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ). Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên Hôtel de Ville trong tiếng Pháp, hay dinh Xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời VN Cộng Hòa gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của HĐND, UBND TP.HCM.
Tiếp đến là tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng (trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông) trước đây là Nha Giám đốc nội vụ, mà người dân hay gọi là dinh Thượng Thơ, do chính quyền xứ Nam kỳ xây vào những năm 1860, với vai trò điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Công trình dinh Thượng Thơ lúc bấy giờ được đánh giá chỉ quan trọng sau dinh Norodom (phiên bản trước của dinh Thống Nhất ngày nay).
Theo phương án được chọn trưng bày lấy ý kiến rộng rãi trước khi triển khai xây dựng, số phận hai công trình kiến trúc cổ hình thành, tồn tại từ thế kỷ 19 đến nay dường như đã được định đoạt: khối kiến trúc mặt tiền đường Lê Thánh Tôn được bảo tồn, trong khi tòa nhà dinh Thượng Thơ có thể sẽ bị tháo dỡ hoàn toàn để mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (dự kiến bố trí 8 cơ quan nhà nước với 95 phòng ban trực thuộc, tương lai có khoảng 1.700 người làm việc).
Phương án của Công ty Gensler (quy mô 4 tầng hầm, 6 tầng nổi, diện tích xây dựng hơn 14.000 m2) được hội đồng tuyển chọn đánh giá là táo bạo khi hạ ngầm 2 tầng làm việc dưới mặt đất, đưa sân vườn và ánh sáng tự nhiên xuống dưới lòng đất để giảm chiều cao công trình xây mới; hướng đến sự hiện đại, năng động, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với thiên nhiên của tòa nhà mới, phù hợp với bối cảnh đô thị của thế kỷ 21, tạo được dấu ấn riêng và tạo được vẻ đẹp trường tồn cho công trình... Ý tưởng thiết kế chủ đạo của công trình mới theo hình khối với những quyển sách chồng lên nhau truyền tải thông tin kiến thức và dòng chảy văn hóa, là sự giao thoa của văn hóa, lịch sử lâu đời của TP.HCM trong bối cảnh của dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều băn khoăn lớn nhất là phương án này “bứng luôn” tòa nhà dinh Thượng Thơ hiện hữu ở góc phố Đồng Khởi - Lý Tự Trọng. Th.S-KTS Nguyễn Bình Dương, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, nhận xét phương án đang trưng bày triển lãm chưa thật sự “đồng điệu” giữa kiến trúc cổ (khối công trình mặt tiền đường Lê Thánh Tôn) và khối nhà xây mới (mặt tiền đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi).
Trong quá trình thi tuyển ý tưởng kiến trúc từ năm 2014 đến nay, đối với tòa nhà dinh Thượng Thơ, từng có phương án của một đơn vị tham gia thi tuyển đề xuất giữ lại bề mặt bên ngoài tòa nhà, nội thất được xây mới hoàn toàn và sẽ chồng thêm tầng cao 30 m, nhưng không được chấp nhận.
Đừng xóa ký ức đô thị1
Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM Ảnh: Đình Phú
Cần giữ “đất vàng” văn hóa
Khu vực trung tâm Sài Gòn được xem là vùng lõi hiện hữu nhiều công trình kiến trúc cổ, nhưng trên thực tế đang có xu thế bị dồn nén, “rơi rụng” dần trước yêu cầu chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị. Điển hình nhất là việc phá dỡ không ít biệt thự cổ ở Q.3, Q.Bình Thạnh, thương xá Tax (Q.1 - xây cao ốc), và mới nhất là nguy cơ dinh Thượng Thơ bị “xóa sổ”.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu - Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, không nên quá dễ dãi trong việc chuyển đổi công năng đất vàng dưới góc độ văn hóa thành đất vàng dưới góc độ kinh tế. “Bây giờ nếu như cái gì chúng ta cũng đưa vào khu trung tâm - nơi có nhiều di sản kiến trúc, văn hóa - để phát triển, làm thay đổi bộ mặt khu trung tâm, thì nói hơi nặng một chút, chúng ta đang xóa bỏ đi một phần lịch sử đô thị Sài Gòn - TP.HCM”, TS Hậu chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia cảnh quan Nguyễn Mạnh Bình Sang (Công ty kiến trúc MCA) cho rằng với những công trình kiến trúc có “chiều sâu năm tháng”, về nguyên tắc, luôn có giá trị cao hơn công trình kiến trúc mới, do vậy yếu tố bảo tồn phải được đề cao. “Nếu trong tình thế buộc phải mở rộng, nâng cấp thì “đề bài” đưa ra thi tuyển ý tưởng thiết kế phải có yêu cầu bảo tồn với những tiêu chí cụ thể để kiến trúc mới hài hòa với kiến trúc cổ mà vẫn mang tinh thần của thời đại”, ông Sang nói. Đ.P
Nhiều kiến trúc xưa có giá trị cao chưa được xếp hạng di tích
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết tính đến nay TP có 172 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử), 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích lịch sử). Hiện còn 100 công trình, địa điểm nằm trong danh mục đề nghị xếp hạng di tích, trong đó có nhà thờ Đức Bà, bưu điện TP.HCM, chợ Bến Thành... đều trên 100 năm tuổi.
Theo Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM), dinh Thượng Thơ chưa được xác lập là di tích. Công trình này hơn 120 năm tuổi nhưng xét về mặt kiến trúc thì không nổi bật như nhà thờ Đức Bà, bưu điện TP.HCM, trụ sở hiện hữu của HĐND, UBND TP.HCM... Tương tự, hầu hết các biệt thự cổ ở Q.3 chỉ thuộc diện kiến trúc cần được bảo tồn, chứ chưa thuộc diện di tích phải xếp hạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.