Được đình chỉ điều tra lần 2, giám đốc doanh nghiệp vẫn khiếu nại

Ngân Nga
Ngân Nga
26/05/2024 06:57 GMT+7

Ông Hồ Thanh Hải (71 tuổi), Giám đốc DNTN Bình Hưng, bị khởi tố từ năm 2004 do liên quan thuế, ông vừa được đình chỉ điều tra vụ án lần thứ hai, nhưng vẫn khiếu nại.

Đình chỉ vì hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự

Trả lời Thanh Niên, ông Hồ Thanh Hải cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DNTN Bình Hưng, theo quyết định khởi tố năm 2004. Ông Hải từng bị tạm giam khoảng 2 năm.

Được đình chỉ điều tra lần 2, giám đốc doanh nghiệp vẫn khiếu nại- Ảnh 1.

Ông Hồ Thanh Hải (71 tuổi)

NVCC

Theo quyết định này, sau khi tiến hành điều tra thấy ông Hải, Giám đốc DNTN Bình Hưng, mua hàng hóa hải sản của các ngư dân trên nhiều địa phương nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Sau đó, ông Hải đã có hành vi ký hợp đồng "khống" mua bán hải sản với hình thức mua bán tay ba để các doanh nghiệp này xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho DNTN Bình Hưng. Mục đích là hợp thức hóa đầu vào để chiếm đoạt tiền hoàn thuế hơn 6,8 tỉ đồng, phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", khoản 4 điều 139 bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, đến nay đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 23 bộ luật Hình sự năm 1999.

Khi nhận quyết định đình chỉ điều tra, ông Hải không đồng ý nội dung quyết định và yêu cầu ra quyết định đúng bản chất vụ án theo quy định pháp luật.

Vụ án có nhiều cáo trạng, và theo cáo trạng năm 2008, ngoài việc ông Hải là Giám đốc DNTN Bình Hưng, ông còn là Phó giám đốc Công ty TNHH Hải Bình. Từ năm 2000 - 2001, ông Hải mua hải sản của các thương lái (mua gom của các ngư dân ngoài biển) ở các tỉnh miền Tây, Vũng Tàu, Phan Thiết... không có pháp nhân nên không xuất hóa đơn GTGT và không lập bảng kê theo quy định.

Để hợp thức hóa mua hàng hải sản đầu vào, ông Hải bàn với Nguyễn Trần Hòa, kế toán trưởng của Công ty TNHH Hải Bình, ký hợp đồng mua bán giao hàng hải sản với hình thức tay ba với 4 đơn vị: Xí nghiệp DVKD Nông Sản, Xí nghiệp CBKD Nông Sản, Chi nhánh INTIMEX - Đồng Nai và Công ty TNHH Thương Binh Đông Hà.

Thông qua ông Lê Huy Chỉnh, kế toán của DNTN Bình Hưng (do ông Hải làm chủ), ông Hòa trực tiếp ký hợp đồng, lập phiếu thu, phiếu chi và lên bảng kê số liệu, giá cả, loại hàng hải sản rồi đưa tiền thuế GTGT cho ông Chỉnh để thanh toán cho các đơn vị xuất hóa đơn.

Sau đó, ông Hòa đã nhận 225 hóa đơn GTGT khống không có hàng thật, phiếu thu tiền của 4 đơn vị trên để hợp thức hóa hàng đầu vào, lập báo cáo thuế tại Cục Thuế TP.HCM và được duyệt 223 hóa đơn GTGT với tổng doanh số trên hóa đơn hơn 57 tỉ đồng và trốn thuế GTGT hơn 4,8 tỉ đồng.

Sau đó, ông Hải cùng 5 đồng phạm bị truy tố về tội trốn thuế tại khoản 3 điều 161 bộ luật Hình sự 1999, có khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.

Trong vụ án này, vào năm 2006 - 2007, TAND TP.HCM từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án. Tòa này cũng nhiều lần lên lịch đưa vụ án ra xét xử nhưng vẫn không thể kết tội được ông Hải.

Theo cáo trạng năm 2009, ngoài tội trốn thuế, ông Hải còn bị truy tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 với khung hình phạt từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, vụ án còn có thêm 4 người khác cũng bị truy tố.

Nhà nước chưa bị thất thu thuế

Theo kết luận giám định về thuế GTGT năm 2007 của Bộ Tài chính, chưa có đủ cơ sở để xác định được việc DNTN Bình Hưng mua hàng của các đơn vị là mua bán hóa đơn GTGT không có hàng hóa. Ngoài ra, các đơn vị đã thực hiện việc kê khai thuế cho các hóa đơn mua vào, bán ra và nộp tiền thuế GTGT, trả tiền thuế GTGT ở các khâu mua và bán. Vì vậy, hội đồng giám định chưa có đủ căn cứ để xác định các đơn vị xuất hóa đơn GTGT cho DNTN Bình Hưng mà không có hàng hóa.

Còn theo kết luận giám định năm 2009 của Bộ Tài chính, khi mua hàng hóa thủy sản của các đơn vị, Công ty Hải Bình đã trả đủ tiền hàng và tiền thuế cho các đơn vị bán hàng theo hóa đơn. Các hóa đơn bán hàng đều được bên bán kê khai nộp thuế GTGT đúng quy định thì Công ty Hải Bình được khấu trừ thuế đầu vào. Qua các khâu kê khai nộp thuế GTGT của cả bên mua và bên bán cho thấy nhà nước chưa bị thất thu thuế GTGT.

Cũng theo kết luận giám định: "Chưa có đủ cơ sở để xác định 223 hóa đơn GTGT của các đơn vị xuất cho Công ty TNHH Hải Bình là hóa đơn xuất khống"; cũng chưa có cơ sở để xác định ông Hải đã mua 216 hóa đơn GTGT khống với trị giá tiền hàng ghi trên hóa đơn hơn 56 tỉ đồng, thuế GTGT là hơn 4,7 tỉ đồng, để hợp pháp hóa các mặt hàng thủy hải sản được coi là mua trôi nổi ngoài thị trường để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Trường hợp qua quá trình xác minh điều tra tiếp theo, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có đủ cơ sở, căn cứ pháp lý xác định được nguồn gốc số hàng hóa và hóa đơn của các đơn vị bán hàng cho 4 đơn vị là hóa đơn xuất khống, hóa đơn bất hợp pháp thì mới có cơ sở xác định được số tiền thất thu thuế do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp gây ra. Lúc đó mới xem xét đến việc liên đới chịu trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong vụ việc.

Tiếp tục khiếu nại

Trước đó vào năm 2012, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hải. Bởi theo cơ quan này, hành vi "trốn thuế" của ông Hồ Thanh Hải và ông Nguyễn Trần Hòa tại DNTN Bình Hưng và Công ty Hải Bình xảy ra từ năm 1999 - 2001. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vụ án có vướng mắc về giám định tư pháp về thuế, nên vụ án bị kéo dài hơn 10 năm, đến nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "trốn thuế".

Theo quyết định đình chỉ, hành vi sử dụng hóa đơn chứng từ bất hợp pháp vào việc kê khai hoàn thuế GTGT tại DNTN Bình Hưng của ông Hải từ năm 2000 - 2001. Tuy nhiên, hiện nay luật Quản lý thuế đã có hiệu lực năm 2007, sau nhiều lần sửa đổi bổ sung, thì quy định về việc truy thu thuế do hoàn thuế sai... có lợi hơn so với các quy định trước đây.

Vì thế hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc kê khai hoàn thuế GTGT của ông Hải không còn nguy hiểm cho xã hội. Từ đó miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hải về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đình chỉ điều tra đối với ông Hải do đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Ông Hải không đồng ý với quyết định đình chỉ trên nên tiếp tục khiếu nại.

Bất ngờ 5 năm sau, tức năm 2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án năm 2012…

Như vậy, sau 7 năm ông Hải bị phục hồi điều tra, thì nay Cơ quan CSĐT tiếp tục đình chỉ điều tra vụ án lần thứ 2.

"Tôi đã bị bắt tạm giam từ khoảng giữa năm 2004 đến cuối năm 2006. Đây là lần thứ hai Cơ quan CSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra nhưng cùng một lý do là hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không phải là do tôi bị oan. Vì thế hiện tôi đã làm đơn khiếu nại về quyết định trên", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, ông bị truy tố vào khoản 4 điều 139 "tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", thuộc chương XIV các tội xâm phạm sở hữu nên không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như quyết định đã ban hành. Ông không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ai, không gây nguy hiểm cho xã hội, cũng không là đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự để được đình chỉ điều tra.

Vì thế, trong đơn gửi đến Viện KSND TP.HCM, ông Hải đề nghị Viện trưởng Viện KSND TP.HCM không phê chuẩn quyết định đình chỉ điều tra vụ án và yêu cầu Cơ quan CSĐT thu hồi quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Ngoài ra, ông Hải còn gửi đơn khiếu nại đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Đồng thời, ông đề nghị cơ quan này ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 230 bộ luật Tố tụng hình sự (do đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.