Được giá mất mùa, diêm dân tại Phú Yên ngày đêm mong trời nắng

Được giá mất mùa, diêm dân tại Phú Yên ngày đêm mong trời nắng

Đức Huy
Đức Huy
21/08/2023 11:45 GMT+7

Ở xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có làng nghề làm muối Tuyết Diêm lâu đời. Hàng trăm năm qua, diêm dân ở đây đã trải qua những cung bậc đắng - ngọt của những hạt muối mặn.

Phụ thuộc vào thời tiết

Những ngày đầu tháng 8.2023, mới 9 giờ sáng nhưng cái nắng oi bức đã hừng hực trên cánh đồng muối Tuyết Diêm. Bất chấp cái nắng oi bức, diêm dân đổ ra đồng để sản xuất muối.

Thăng trầm làng muối Tuyết Diêm - Ảnh 1.

Vùng sản xuất muối của làng nghề truyền thống Tuyết Diêm

ĐỨC HUY

Chúng tôi đến ruộng muối của gia đình ông Đỗ Xuân Tiếp. Ruộng muối này lấy nước từ mấy ngày trước nên mặt nước đã đóng váng thành hạt muối. Ông Tiếp dùng cào gỗ lướt trên mặt ruộng để những hạt muối chìm xuống đáy, đông kết thành hạt muối lớn.

"Nước sông lấy vào hồ chứa để vài ngày cho đủ độ mặn rồi mới dẫn vào ruộng muối. Nước mặn tiếp tục ngâm để nắng bốc hơi, kết thành hạt. Trời nhiều gió nồm thì hạt muối to hơn, còn trời gió nam thì hạt muối nhỏ hơn vì gió thổi mạnh làm độ đông kết của muối ít chặt hơn", ông Tiếp diễn giải.

Ông Tiếp làm muối hơn 25 năm, đã trải qua bao thăng trầm với nghề này. Ông và những diêm dân ở Tuyết Diêm nghĩ ra nhiều cách để sản xuất muối có chất lượng, năng suất cao hơn nhưng tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết.

Thăng trầm làng muối Tuyết Diêm - Ảnh 2.

Diêm dân làm muối dưới cái nắng oi bức của trưa hè

ĐỨC HUY

Ông Tiếp chia sẻ: "Hiện diêm dân Tuyết Diêm sản xuất muối hạt theo 2 cách. Cách truyền thống là lấy nước tự nhiên có độ mặn thấp nên thời gian thu hoạch muối dài hơn. Cách thứ hai là khoan giếng lấy nước ngầm nhiễm mặn, thời gian sản xuất muối rút ngắn hơn so với cách truyền thống chừng 5 ngày. Giờ đây, người dân không chỉ sản xuất muối trên ruộng đất mà đã dùng bạt phủ đáy nên tạo ra muối sạch hơn, chất lượng hơn".

Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là làng nghề truyền thống, có 131 ha chuyên sản xuất muối với khoảng 40 hộ tham gia sản xuất và Hợp tác xã muối Tuyết Diêm với hơn 850 thành viên.

Theo ông Trương Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, trong số 131 ha sản xuất muối ở Tuyết Diêm, diêm dân đã chuyển sang ruộng muối phủ bạt hơn 15 ha. Hạt muối sản xuất ở ruộng phủ bạt sản lượng cao hơn và chất lượng hơn nên giá cũng cao hơn.

"Giá muối hiện nay tương đối cao so với mọi năm, nắng kéo dài thì sản lượng tăng cao, giá muối sẽ giảm lại. Vì thế, đời sống diêm dân ở đây luôn vất vả", ông Lâm nói.

Được hay mất đều vất vả

Mùa nắng hạn, những cơn mưa giông xuất hiện, nông dân coi như mưa vàng vì không những giúp giải khát cho cây trồng mà còn như bón một lứa phân cho cây. Thế nhưng những cơn mưa giông này làm cho diêm dân "méo mặt" vì mưa sẽ phá vỡ hạt muối kết đông khiến đợt sản xuất muối đó đổ "theo sông, theo biển". Diêm dân chỉ trông trời nắng vì nắng nóng sẽ làm cho muối kết đông nhanh, sản lượng sẽ cao.

Thăng trầm làng muối Tuyết Diêm - Ảnh 3.

Muối kết hạt trên ruộng

ĐỨC HUY

Diêm dân Đào Xuân Sinh tâm sự: "Làm nghề muối mà xuất hiện mưa thì coi như bỏ không. Nông dân trồng lúa, cây lâu năm, cây công nghiệp… thì trông mưa, chứ diêm dân chúng tôi thì lại trông nắng hạn. Nghề làm muối nghịch với nghề nông".

Nhưng cũng khá oái oăm, nắng kéo dài cho sản lượng muối cao thì giá lại giảm, rơi vào điệp khúc "được mùa, mất giá" và ngược lại thì "được giá, mất mùa".

Để giúp diêm dân tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Hợp tác xã muối Tuyết Diêm đã triển khai thu mua muối. Ông Trần Đức Hạnh, Phó giám đốc Hợp tác xã muối Tuyết Diêm, cho biết: "Nghề làm muối vất vả, khó khăn. 3 năm gần đây, do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài nên vùng sản xuất muối Tuyết Diêm mất mùa nhưng bù lại được giá. Với mức giá muối hiện nay thì diêm dân có sống chứ chẳng dư giả gì. Nhưng để đảm bảo ổn định giá muối cho diêm dân, sắp tới, hợp tác xã sẽ thu mua muối để tránh tư thương lợi dụng lúc được mùa mà ép giá".

Cũng theo ông Trần Đức Hạnh, hiện nay, diêm dân ở thôn Tuyết Diêm bị thiệt hại do mưa lũ cuốn trôi muối lưu trữ trên đồng ruộng không thuộc diện hỗ trợ vì quy định chỉ hỗ trợ thiệt hại cho ruộng muối đang sản xuất. "Tôi mong Chính phủ sớm có quy định về hỗ trợ cho trường hợp diêm dân thiệt hại muối khi lưu trữ trên đồng", ông Trần Đức Hạnh bày tỏ.

Làm thêm nghề khác kiếm thu nhập

Ngoài nghề làm muối, diêm dân còn làm nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Diêm dân Đỗ Xuân Tiếp có 4 đám ruộng làm muối, mỗi năm cho thu nhập hơn 25 triệu đồng.

"Cả gia đình nhưng chỉ có thu nhập chừng ấy thì không đủ chi tiêu nên tôi phải làm thêm nghề thợ hồ. Tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi chạy ra đồng để kiểm tra, chăm chút cho ruộng muối. Nếu có diện tích lớn thì làm chuyên luôn nghề muối cũng đủ sống", ông Tiếp bộc bạch.

Thăng trầm làng muối Tuyết Diêm - Ảnh 4.

Muối tập kết thành đống trên đường để chờ bán

ĐỨC HUY

Chị Trần Thị Đẹp (ở thôn Tuyết Diêm), chia sẻ: "Năm ngoái, mưa nhiều làm mất mùa, cả vụ gia đình tôi chỉ thu được 5 - 6 triệu đồng, chẳng đủ tiền công. Chưa kể cảnh được mùa thì bị ép giá, có năm chỉ 25.000 đồng/bao nên gia đình 4 miệng ăn không đủ trang trải, trong khi tiền học con cái đều nhờ vào ruộng muối này cả".

Làng nghề làm muối Tuyết Diêm có truyền thống lâu đời nhưng càng về sau, những người trẻ không còn tha thiết với nghề này. Theo ông Trương Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, hiện những diêm dân ở Tuyết Diêm chủ yếu là người già và trung niên, còn những người trẻ thì đi làm công nhân có thu nhập ổn định hơn.

Cũng theo ông Lâm, tỉnh Phú Yên đang đang triển khai sản xuất muối sạch ở làng muối truyền thống Tuyết Diêm. Hiện có 2 hộ đang làm thủ tục tham gia mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.