Mua cả vườn măng cụt non mới bán
Vườn măng cụt của gia đình anh Võ Văn Hảo (xã Phú Túc, H.Châu Thành, Bến Tre) rộng gần 2 ha. Vụ này, thời tiết thuận lợi, cây cho trái sai và không có hiện tượng xì mủ… nên dự kiến Tết Đoan Ngọ năm nay sẽ thu hoạch được khoảng 30 tấn trái.
"Cây không ra hoa để kết trái đều mà thu hoạch cùng lúc đâu, vậy nên thông thường phải thu hoạch từng đợt kéo dài cả tháng mới hết trái trong mùa'', anh Hảo cho hay.
Dự tính của anh Hảo là vậy, nhưng 3 ngày trước, có thương lái tìm đến đề nghị mua cả vườn măng cụt còn non của anh với giá 50.000 đồng/kg.
"Khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch, khi trái chín giá bán tại vườn các năm trước dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/kg, trọng lượng trái cũng nặng hơn trái non nhưng vì lái nói mua hết cả vườn, thu hoạch 1 lần nên tôi bán luôn. Bán lấy tiền sớm để còn lo công việc khác", anh Hảo cho biết.
Cũng tương tự anh Hảo, hầu hết chủ vườn măng cụt ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách (Bến Tre) chọn bán trái non. Bởi, hiện nay các thương lái rầm rộ săn tìm mua măng cụt non để bán lại cho các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Tây với giá dao động từ 70.000 – 150.000 đồng/kg. Riêng loại đã được gọt loại bỏ vỏ chỉ còn múi thì có giá lên tới 500.000 – 700.000 đồng/kg.
"Mùa măng cụt non chỉ kéo dài khoảng 2 tháng (từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4 âm lịch) nên mình phải tranh thủ tìm mua. Mua được bao nhiêu cũng bán ra được giá cao và rất nhanh chóng, nói chung nhu cầu các nhà hàng, quán ăn lớn lắm. Còn ngày nào mua được ít thì tôi đem ra chợ hoặc lên mạng xã hội rao bán là có người mua ngay lập tức", anh Bùi Văn Học, một thương lái ngụ H.Chợ Lách, cho biết.
Thực khách nói gì về món gỏi măng cụt?
Trước "làn sóng" ăn gỏi măng cụt rầm rộ, PV Báo Thanh Niên đã trao đổi với một số thực khách tại nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre…
"Nói chung gỏi chua có măng cụt non được trang trí đẹp, ăn cũng có vị chua chua lạ miệng so với bóp gỏi chua bằng bắp cải nồi, dưa leo… Nhưng nếu mình kêu một con gà thả vườn tầm 1,5 kg luộc ăn với gỏi chua có măng cụt non thì phải trả đến khoảng 600.000 đồng, trong khi dùng gỏi không có măng cụt thì cao lắm chỉ phải trả 300.000 đồng. Nói chung tôi thấy phong trào nên cũng mua ăn cho biết mà thôi. Và cảm thấy không lưu luyến gì món ăn này", anh Lưu Văn An, một thực khách ngụ TP.Bến Tre (Bến Tre) cho biết.
Trong khi đó, anh Phan Văn Đăng, một thực khách ngụ H.Thạnh Phú (Bến Tre) thì cho rằng: "Phong trào nên ai cũng ăn cho được món gỏi măng cụt vậy thôi chứ tôi thấy cũng không có gì đáng phải chờ đợi và trả nhiều tiền cho món ăn như vậy. Nói chung, bây giờ người ta thấy cái gì lạ là đam mê như vậy đó. Hôm trước, tôi còn thấy một quán ăn bán món bông giấy chiên bột và cũng chắc là món lạ nên khách cũng kêu món đó nhiều. Tôi không hiếu kỳ gì đối với các món ăn như vậy", anh Đăng chia sẻ.
Trong khi đó, chị K., chủ quán ăn ở TP.Bến Tre thì cho biết: "Do thuê được đầu bếp chuyên làm món gà xé phay bóp gỏi măng cụt non nên trong hơn tháng gần đây quán đông khách. Hầu hết các bàn đều gọi món gỏi măng cụt và khách sẽ thất vọng nếu quán hết nguyên liệu làm gỏi măng cụt", chị H., chia sẻ.
Ngành nông nghiệp nói gì về trái măng cụt non?
Ngày 24.5, trao đổi với Thanh Niên, Tiến sĩ (TS) Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách (Bến Tre), cho biết từ nhiều năm về trước người dân ở nhiều nơi có trồng cây măng cụt như Bến Tre, Trà Vinh đã sử dụng trái măng cụt non để chế biến thêm vào các món ăn. Khi đó, nhà vườn thường chọn hái những trái măng méo mó về hình thể hoặc bị xì mủ (khả năng khi chín sẽ bị sượng) để hái ăn, còn những trái to tròn đều thì để chín mới thu hoạch. Dù vậy, từ nhiều năm qua, các món ăn được chế biến có măng cụt non chưa được nhiều người chú ý.
Vài tháng gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh quảng bá, hướng dẫn cách làm… nên mới bắt đầu phong trào "săn" trái măng cụt non.
Về cách chế biến, TS Bùi Thanh Liêm cho hay, măng cụt non là loại trái cây có rất nhiều mủ màu trắng đục. Trái non tách ra sẽ nhanh chóng bị thâm đen do tương tác với môi trường không khí bên ngoài. Tuy nhiên, mủ măng cụt sẽ tự tan trong nước, do đó, khi sơ chế không cần sử dụng hóa chất để xử lý mủ cũng như làm cho phần ruột không bị đen thâm.
Về thông tin cho rằng nếu hái toàn bộ trái non trên cây măng cụt sẽ khiến cây bị suy kiệt do sẽ bị bệnh, TS Liêm khẳng định rằng điều đó là không đúng. Ngược lại, việc thu hoạch trái khi con non sẽ khiến cây tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, TS Bùi Thanh Liêm cũng như nhiều người khác ở xứ sở trái cây Cái Mơn trứ danh lại băn khoăn vì phong trào ăn gỏi măng cụt quá rầm rộ sẽ dẫn đến lễ hội trái cây Chợ Lách hằng năm sẽ khó có thể tìm được những trái măng cụt tròn trịa trưng bày. Mặc dù thống kê của ngành nông nghiệp thì tỉnh Bến Tre có khoảng 2.000 ha măng cụt và được trồng chủ yếu ở các huyện Châu Thành và Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc.
Trái măng cụt là 1 trong 5 loại trái cây trứ danh cả nước với thương hiệu trái cây Cái Mơn. Theo quan điểm nhà vườn Chợ Lách, nếu trái sầu riêng được xem là trái cây ''vua'' thì trái măng cụt là '"hoàng hậu". Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, khả năng xứ sở Cái Mơn sẽ không còn những "hoàng hậu" khi lễ hội trái cây sắp đến gần.
Bình luận (0)