Làm vía
Người Thái ở Nghệ An quan niệm đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía. Khi một vài vía "lạc đi" thì con người sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và gặp những điều không may mắn khác.
Để giữ lấy vía, cần phải mời thầy mo thực hiện nghi lễ "làm vía". Trong đó có nghi thức thầy mo buộc sợi chỉ vào cổ tay người được làm vía để giữ vía, cầu an, cầu sức khỏe. Thầy mo Cầm Bá Mừng (74 tuổi, ngụ xã Châu Tiến, H.Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết làm vía thực ra là lễ cầu an, tiến hành khi con cái chào đời, trong dịp đám cưới, hoặc khi ốm đau. Người bệnh cần làm vía để xua đuổi "con ma" đang ám vào người và cầu cho họ mau khỏe lại. Trai gái cưới nhau làm vía để cầu hạnh phúc lâu bền. Trước đây, nhà nào có người ốm, người thân đều mời thầy mo về cúng, làm vía đuổi "con ma" mà không đến bệnh viện. Nay, lễ làm vía cho người ốm vẫn còn, nhưng sau khi xong, người ốm sẽ được đưa đến bệnh viện.
Làm vía phải chọn ngày đẹp, giờ đẹp để tiến hành. Gia chủ chuẩn bị lễ vật gồm một cuộn chỉ, gà luộc, trứng gà, trầu cau, một bát gạo trắng và tiền lẻ đặt trên đĩa. Thầy mo ngồi phía trước làm lễ, con cháu trong gia đình và họ hàng vây xung quanh. Sau khi làm lễ cúng, thầy mo buộc sợi chỉ vào tay từng người tham dự. Ông Lang Văn Hồng (ngụ xã Châu Phong, H.Quỳ Châu) cho biết nghi thức buộc chỉ vào cổ tay tùy thuộc vào từng trường hợp. Sợi chỉ đen dùng để cầu bình an, sợi chỉ đỏ dùng trong đám cưới, còn sợi chỉ trắng dùng trong lễ buộc chỉ cổ tay khi gia đình có người thân mất đi. Người được buộc chỉ không thể tự ý tháo ra mà phải để sợi chỉ tự đứt thì mới giữ được ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay.
Chị Sầm Thị Trang (ngụ xã Châu Tiến, H.Quỳ Châu) cho biết lễ làm vía không chỉ đem lại may mắn mà còn giúp người được làm vía có cảm giác bình an. Nghi thức buộc chỉ cổ tay không chỉ cầu cho bản thân mình và người thân trong gia đình mà còn có thể mang bình an cho người khác khi buộc chỉ vào cổ tay của họ.
Ngoài ra, hằng năm, người Thái ở H.Quỳ Châu (Nghệ An) đều tổ chức lễ Xăng Khan để tạ ơn tổ tiên và tạ ơn các thầy mo.
Rước dâu lúc rạng đông
Theo phong tục của người Thái ở Nghệ An, từ khi tổ chức đám hỏi (còn gọi là đám cưới nhỏ) cho đến lúc cưới (đám cưới lớn) thường là 1 năm. Tuy nhiên hiện nay, thời gian này có thể được rút ngắn tùy nhu cầu của gia đình. Xưa, tục lệ quy định lễ nộp tài của nhà trai phải gồm 1 nén bạc, 2 chỉ vàng hoặc 1 con trâu. Ngày nay, ông Cầm Bá Mừng cho biết lễ thách cưới ở vùng này vẫn quy định phải đủ 20 triệu đồng. Nhà trai mang tiền đến nhà gái nộp, nhà gái dùng để mua sắm chăn, ga, gối, nệm và giường rồi ngày cưới mang đến nhà trai đặt vào phòng tân hôn để vợ chồng sử dụng. Nếu nhà trai chưa chuẩn bị đủ tiền thì phải đợi lúc nào đủ mới được tiến hành lễ cưới.
Xưa nay, người Thái ở Nghệ An vẫn giữ phong tục độc đáo trong nghi thức rước dâu về nhà chồng, đó là rước dâu khi trời vừa rạng đông.
Để chuẩn bị rước dâu, nếu nhà gái ở xa, nhà trai thường đi đón dâu từ khoảng 23 giờ ngày hôm trước. Lễ vật mang theo thường là 1 con lợn quay, 1 nén bạc Gia Long, 1 vò rượu cần, 1 mâm xôi, gà và 10 lít rượu nếp, trầu cau. Khi đến nhà gái, chú rể và cô dâu được ông, bà mai mối dẫn đến trước bàn thờ tổ tiên của nhà gái để thực hiện nghi lễ thông báo rước dâu về nhà chồng. Sau đó, hai gia đình sẽ uống rượu cần. Cả hai bên sẽ cử người đứng lên hát nhuân, hát khắp (hát đối đáp) để mua vui.
Anh Lang Đình Tiệp (ngụ xã Châu Phong, H.Quỳ Châu) cho biết trước đây người Thái thường dựa vào tiếng gà gáy để chọn thời điểm rước dâu. Ngày nay, phong tục rước dâu được thực hiện theo giờ đẹp. "Chúng tôi quan niệm rằng nếu rước dâu ban ngày thì sẽ có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang vất vưởng phá hoại hạnh phúc của vợ chồng. Thời khắc chuyển giao giữa đêm và ngày là trong lành, may mắn và có nhiều lộc trời nhất", anh Tiệp nói.
Khi chú rể dắt tay cô dâu ra khỏi nhà thì phải bước qua một cây dâu đã được ông, bà mai mối chuẩn bị sẵn ngay dưới chân cầu thang. Cây dâu này được khắc 9 bậc tượng trưng cho 9 bậc thang tình yêu, trước khi bước qua 9 bậc cây dâu, cô dâu và chú rể phải hát một bài hát để xin với thần linh ban cho vợ chồng sinh được cả con trai lẫn con gái.
Trong lễ cưới, khi đôi vợ chồng dắt tay nhau bước lên cầu thang nhà chồng thì mẹ chồng cùng các chị dâu và bà mễ đón vào buồng. Lễ vật ngoài váy áo, khăn piêu, dây thắt lưng... phải có 1 vò rượu cần và 1 quả trứng gà luộc. Sau khi đôi trai gái ăn hết quả trứng gà chia đôi này và uống một ngụm rượu cần thì thành vợ chồng. Theo thầy mo Cầm Bá Mừng, ăn chung quả trứng để thể hiện vợ chồng gắn kết với nhau trọn đời.
(còn tiếp)
Bình luận (0)