Dưới nếp nhà sàn: Tìm lại chữ viết cho cộng đồng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
30/08/2023 06:55 GMT+7

Chữ Thái cổ gần như đã bị lãng quên và rất may còn một người vẫn đau đáu với nó. Sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm, ông Sầm Văn Bình đã khôi phục được chữ viết cho cộng đồng của mình.

Đau đáu với chữ Thái cổ

Tốt nghiệp Đại học Hàng hải năm 1987, kỹ sư Sầm Văn Bình quay về quê nhà ở xã Châu Quang (H.Quỳ Hợp, Nghệ An) làm nông dân. Ông là con trai cả trong nhà và là người nối dõi, đứng đầu một chi họ. Từ nhỏ, ông được cha mình truyền dạy các luật tục của người Thái.

Một lần, ông xuống thị trấn Quỳ Hợp chơi, được một người cho xem cuốn sách Thái cổ viết bằng mực tàu trên giấy dó và hỏi ông có biết chữ này không. Ông Bình không biết. Nhiều người Thái có mặt ở đó cũng không biết. "Về nhà, tự nhiên tôi thấy áy náy trong lòng. Người Thái mà không biết chữ Thái thì khó mà chấp nhận được", ông Bình kể.

Trước đó, gia đình ông có một quyển sách chữ Thái cổ nhưng cũng không ai biết đọc. Ông bỏ quên trên giá. Từ ngày xuống thị trấn về, ông quyết tâm tìm bằng được chữ Thái của người Thái xưa. Ông Bình lặn lội đi tìm gặp những người Thái đã lớn tuổi ở trong xã và các xã lân cận để nghe họ kể chuyện, nói chữ. Hễ gặp ai nói một câu, một từ lạ là ông hỏi cặn kẽ, ghi lại, tìm tài liệu so sánh, đối chiếu. Sau gần 10 năm miệt mài tìm kiếm, ông Sầm Văn Bình sưu tầm được khoảng 80% vốn ngôn ngữ cổ người Thái trong vùng.

Dưới nếp nhà sàn: Tìm lại chữ viết cho cộng đồng   - Ảnh 1.

Ông Sầm Văn Bình

Ông Bình lưu giữ được một cuốn sách chữ Thái cổ có niên đại hơn 100 năm. Đó là tư liệu rất quý đối với ông. Chữ Thái có nhiều hệ khác nhau, ông đã sưu tầm được một số hệ như: Lai xứ, Lai tay, Lai pao, Lai xứ Thanh. Chữ Thái ở Nghệ An là đa dạng nhất về các hệ chữ so với các vùng khác ở nước ta. Trong 4 hệ chữ này, riêng có chữ Lai tay là đọc dọc từ trên xuống, từ phải sang.

Ông Bình giải thích: "Trong tiếng Thái, từ lai có nghĩa là hoa văn, hoa tay. Tay là chữ viết. Lai tay hiểu nôm na là chữ viết của người Thái. Lai pao để chỉ chữ viết của người Thái sinh sống ở vùng dọc sông Nậm Pao (H.Tương Dương, Nghệ An)".

Tìm kiếm lại được vốn chữ Thái cổ, nhưng ông Bình khiêm tốn tự nhận mình chỉ là "người đi khai hoang" vốn văn hóa của ông cha để lại.

Dưới nếp nhà sàn: Tìm lại chữ viết cho cộng đồng   - Ảnh 2.

Các đầu sách của ông Bình phục vụ cho việc dạy chữ Thái cổ

K.HOAN

Truyền lại chữ viết cho thế hệ sau

Năm 2005, ông Bình được lãnh đạo xã Châu Cường (H.Quỳ Hợp) mời đến làm giáo viên dạy chữ Thái. Ông hơi bất ngờ, hỏi mới biết xã này vừa thành lập câu lạc bộ học chữ dân tộc Thái nhưng chưa có người giảng dạy. Ông Bình nhận lời.

Người học là cán bộ huyện, xã và học sinh của các xã Châu Cường, Châu Quang. Ban đầu cả thầy và trò đều thấy xa lạ với khóa học này, nhưng rồi cũng quen dần và học sinh xin đến học ngày một đông. Mỗi khóa học kéo dài khoảng 6 tháng, học vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Khóa đầu có 86 người theo học, khóa thứ hai tăng lên 192 người.

Cần mẫn trong 3 năm ròng, đến năm 2009, ông Bình đã hoàn thành bộ sách hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai tay, gồm 2 tập. Tập 1 có 21 bài học, dày 108 trang với hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp. Tập 2 với 20 bài nâng cao, đảm bảo cho học viên không chỉ đọc thông viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được. Sau 2 cuốn sách được coi như giáo trình này, ông Bình còn hoàn chỉnh 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái.

Ông được lãnh đạo huyện khuyến khích xây dựng đề tài mở rộng mô hình dạy học chữ Thái hệ Lai tay trên địa bàn H.Quỳ Hợp. Năm 2017, đề tài này được tặng giải xuất sắc trong cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ của tỉnh Nghệ An. Ở dự án này, ông đã nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Đó là các font chữ Thái thuộc các hệ chữ Thái Lai tay, Lai xứ Thanh và Lai pao, được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An. Thông qua đề tài này, ông đã biên soạn xong bộ tài liệu dạy học chữ Thái và in được bộ sách dạy học chữ Thái hệ Lai tay gồm 5 cuốn theo từng chủ đề và được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay.

Ông Bình đã hoàn thành đầu sách Từ điển Thái - Việt (tiếng Thái Nghệ An) với dung lượng 14.000 từ, 850 trang, cuốn Xở phi hươn (Cúng gia tiên) 624 trang và một số đầu sách khác. Năm 2015, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Sau nhiều năm tìm kiếm, khôi phục và truyền dạy chữ Thái cổ, ông Bình nói ông đã làm được khoảng 90% mục tiêu đặt ra. Thế nhưng, hằng ngày ông vẫn miệt mài đi điền dã, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Thái. Hiện việc truyền dạy chữ Thái của ông được tiến hành ở 3 kênh: trực tiếp dạy ở CLB chữ Thái hoặc của UBND xã, dạy tại lớp đào tạo giáo viên và các lớp cộng đồng, dạy chữ Thái tại các trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện miền núi Nghệ An.

Từ năm 2018, Sở VH-TT Nghệ An đã làm hồ sơ đề nghị đưa chữ viết của người Thái thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.