Dưới nếp nhà sàn: Tự lập bảo tàng người Thái

Khánh Hoan
Khánh Hoan
29/08/2023 07:23 GMT+7

Lo văn hóa người Thái bị mai một, 30 năm qua, ông Vi Văn Phúc (ngụ H.Con Cuông, Nghệ An) đã miệt mài sưu tầm, lập bảo tàng để bảo tồn hơn 1.000 hiện vật của đồng bào mình.

Đau đáu với bản sắc dân tộc

Căn nhà sàn hai tầng rộng khoảng 300 m2 nằm khuất sau dãy nhà dân ở TT.Con Cuông (H.Con Cuông) là tư gia của ông Vi Văn Phúc (77 tuổi). Đây cũng là bảo tàng tư nhân từ nhiều năm qua do ông tự lập, sưu tầm và trưng bày cổ vật, vật dụng của người Thái để bảo tồn. Sức khỏe không còn tốt, nhưng hễ có khách đến thăm bảo tàng, ông rất vui và thấy khỏe hơn. Ông dẫn khách đến mọi ngõ ngách, giới thiệu cặn kẽ từng hiện vật đang được trưng bày.

Dưới nếp nhà sàn: Tự lập bảo tàng người Thái  - Ảnh 1.

Ông Phúc và các dụng cụ sản xuất đặc trưng của người Thái tại bảo tàng tư nhân của ông

K.HOAN

Ông Phúc sinh ra ở Môn Sơn, một xã vùng biên giáp Lào, cách trung tâm H.Con Cuông gần 30 km. Ông lớn lên trong ngôi nhà có đến 4 thế hệ cùng sinh sống. Cuộc sống gắn với nương rẫy, quay tơ, dệt vải và những tập tục, lối sống của đồng bào Thái đã ăn sâu vào tâm trí ông. Năm 1992, được cử làm cán bộ huyện, ông dời ngôi nhà sàn của gia đình ra huyện để ở. Sau đó, ông được điều xuống tỉnh làm Phó giám đốc Sở KH-ĐT Nghệ An. Đến khi nghỉ hưu, ông rời thành phố về huyện tiếp tục thực hiện công việc mở bảo tàng người Thái.

"Ra huyện ở và làm việc, mỗi lần về thăm quê, tôi rất buồn khi nhận thấy nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp đã bị mai một dần. Nhiều người thậm chí còn không biết nói tiếng Thái. Những vật dụng từng gắn liền với đời sống đồng bào dần dần bị vứt bỏ để thay thế bằng vật dụng hiện đại", ông Phúc nhớ lại. Rồi ông quyết định sưu tầm hiện vật, cổ vật của đồng bào mình để lưu giữ vì sợ có ngày nó biến mất.

Là cán bộ, thường xuyên đi công tác nên ông Phúc khá thuận lợi trong việc sưu tầm. Mỗi lần đến các bản làng người Thái, thấy vật dụng ưng ý, ông đều hỏi mua. Biết ông sưu tầm để bảo tồn, nhiều người tặng ông hiện vật, không lấy tiền. Cùng tâm nguyện với cha mình, con trai ông là cán bộ huyện nhiều năm qua cũng chung tay sưu tầm được nhiều hiện vật giá trị mang về tặng ông.

Dưới nếp nhà sàn: Tự lập bảo tàng người Thái  - Ảnh 2.

Công cụ sản xuất, hái lượm của người Thái tại bảo tàng của ông Phúc

Gìn giữ cho đời sau

Căn nhà sàn chật kín hiện vật từ tầng trệt cho đến tầng 2. Đã có hơn 1.000 hiện vật được ông sưu tầm và trưng bày trong ngôi nhà này.

Ở tầng 1 căn nhà là chiếc khung cửi và chiếc quay tơ gần 100 năm mà mẹ ông Phúc từng sử dụng. Cạnh đó là chiếc luống giã gạo mộc mạc. Ông dùng chày khua vào chiếc luống, chiếc luống phát ra những âm thanh khá thú vị. Ông nói khua luống là một loại hình diễn xướng dân gian của người Thái, gắn liền với hoạt động giã gạo. Khi giã gạo, để đỡ nhàm chán và mệt nhọc, thi thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc khua chày với nhau mà tiếng kêu phát ra nghe vui tai. Trải qua thời gian, dần dần thành bài, nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới... và bây giờ, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của người Thái ở vùng này.

Hiện vật ở bảo tàng này đủ mọi chủng loại, từ dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay, cồng chiêng… Hiện vật được ông Phúc sưu tầm từ nhiều bản làng Thái ở Nghệ An, Thanh Hóa, được trưng bày thành từng nhóm ở bảo tàng. Những hiện vật có giá trị, dễ hư hỏng được ông bảo quản trong các tủ kính. Trên hành lang tầng 2 của ngôi nhà sàn là những ghế dài làm bằng gỗ phiến được ông sắp xếp dọc lối đi. Ghế đều được chạm khắc khá tỉ mỉ với hình cá sấu. Ông nói ghế này là của một ông quan người Thái được làm từ hơn 100 năm trước do ông mua lại ở H.Quỳ Châu (Nghệ An).

Trong bộ sưu tập công phu này còn có những cuốn văn tự được viết bằng chữ Thái cổ từ hàng trăm năm trước. "Tôi lo nhất là hiện nay nhiều người Thái trẻ không còn biết nói tiếng Thái cũng như chữ viết của đồng bào mình. Học tiếng Việt là rất cần, nhưng tiếng Thái mẹ đẻ và các phong tục của mình thì vẫn phải biết và gìn giữ", ông Phúc nói. Ông cũng tự tay ghi chép lại những tập tục, nghi thức của người Thái, từ ma chay, cưới hỏi, tập tục đón tết, thờ cúng tổ tiên, làm nhà… để lưu giữ cho con cháu vì ông sợ bị mai một.

Đánh giá về bảo tàng của ông Vi Văn Phúc và những trăn trở của ông về truyền thống văn hóa người Thái, ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Con Cuông, nói: "Đó là một người rất tâm huyết với văn hóa và bảo tàng này là vô giá đối với người Thái".

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.