Ở ẩn để làm khèn bè
Hơn 6 năm trước, ông Hà Văn Tình (60 tuổi, ngụ bản Bàn, xã Quang Chiểu, H.Mường Lát, Thanh Hóa) cùng vợ mình dời ngôi nhà ở trung tâm xã vào trong khu đất ven chân núi không tên, thuộc bản Bàn, giáp biên giới Việt - Lào, dựng nhà, đào ao, trồng rau để thỏa thú đam mê làm và thổi khèn bè.
Ông Tình hiện là một trong rất ít người Thái ở huyện Mường Lát còn biết làm khèn bè và thổi khèn điêu luyện. Ông như báu vật của núi rừng đang ngày ngày bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
|
Trong cộng đồng người Thái từ bao đời nay, mỗi dịp có đám cưới, lễ hội, ngày Tết, làm vía… đều không thể thiếu các điệu khèn và hát khặp mang ý nghĩa, âm hưởng vui vẻ. Cũng vì thế, người Thái chỉ sử dụng khèn bè trong các sự kiện vui vẻ, không sử dụng trong đám tang ma.
Trong các lễ hội, sự kiện văn hóa đám trai tráng người Thái thường thổi khèn cùng hát bài Xắng Trọc để giao duyên. Những người con trai biết thổi khèn hay, điêu luyện dễ lọt vào mắt xanh của những cô gái, từ đó, tình yêu có thể nảy nở rồi nên duyên vợ chồng.
Dù là nét văn hóa mang đậm tính dân tộc, nhưng ngày nay, rất ít người còn biết làm khèn bè và thổi hay. Do thế hệ trẻ lớn lên thường đi làm ăn xa, hoặc nhiều người trẻ sử dụng công nghệ để trao đổi, hẹn hò dẫn đến người làm khèn bè càng hiếm, nguy cơ bị mai một.
|
Ông Tình chia sẻ, do cần không gian tĩnh lặng, vắng người để làm khèn nên ông mới quyết định dọn vào khu đất ven chân núi để sinh sống nốt phần đời còn lại và để thỏa thú vui làm khèn.
“Quá trình làm khèn phải tĩnh lặng, vắng người thì làm khèn mới hay. Khi yên tĩnh, việc lắp ráp khèn, thử âm khèn mới chuẩn. Vì thế, tôi chọn khu đất ven chân núi, xa khu dân cư để vừa sinh sống, vừa làm khèn. Tiếng khèn vui nhộn, hân hoan bao nhiêu thì lúc làm khèn lại cần yên tĩnh bấy nhiêu", ông Tình nói.
Để làm 1 cái khèn bè, các công đoạn làm khèn rất cầu kỳ, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian mới hoàn thành.
|
“Khèn làm bằng cây nứa tép, mà ở đây bà con gọi là cây Mạy Pao. Cứ khoảng 5 ngày vợ chồng tôi lại cùng nhau vào các cánh rừng cách nhà từ 5 - 7 km tìm và lựa chọn nứa tép. Dùng tay bóp, nắn từng cây, lựa cây đang thì bánh tẻ, mang về phơi khô, uốn thẳng để làm khèn”, ông Tình cho biết về cách lựa chọn thân cây nứa tép để làm khèn bè.
Mỗi cây khèn được ghép bằng 14 đoạn nứa tép, mỗi đoạn dài từ 50 – 60 cm, xếp thành 7 cặp song song nhau. Trên mỗi ống nứa được đục 1 lỗ nhỏ, lắp lưới gà (lưỡi gà làm bằng thanh đồng mỏng, nhỏ để tạo âm thanh khi thổi).
|
Các ống nứa được ôm gọn trong Pố khèn (hay còn gọi là Bầu khèn). Pố khèn làm bằng gỗ xoan, một đầu Pố khoan lỗ làm ống thổi thông với các ống nứa. Khi thổi, âm thanh, thanh điệu còn được điều chỉnh bằng các lỗ trên ống nứa. Khi hoàn thành, chiếc khèn đạt tiêu chuẩn phải có âm sắc giòn, mảnh.
Giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc Thái
Những năm gần đây, ngoài việc làm khèn bè để bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc, ông Tình còn làm khèn để bán cho người có nhu cầu trong huyện và nhiều tỉnh ở các tỉnh Tây Bắc.
Mỗi năm, ông Tình thường làm và bán được khoảng 20 chiếc khèn, với giá từ 1 – 1,5 triệu đồng/chiếc. Dù không bán được nhiều, nhưng làm khèn ngoài có thêm thu nhập, còn giúp ông thực hiện được ước nguyện của mình - gìn giữ văn hóa truyền thống của người Thái.
|
Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu bày tỏ lo lắng, bởi ngày nay khèn bè ngày càng ít người biết làm, ít người biết thổi, đứng trước nguy cơ không còn người biết làm khèn bè - nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái.
"Khèn bè từ xa xưa các cụ để lại, nhưng hiện đang mai một nhiều vì không có người làm, ít người biết thổi. Ông Hà Văn Tình, là một trong nghệ nhân đặc biệt của xã Quang Chiểu, đang khôi phục và đang lấy lại bản sắc văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn H.Mường Lát nói chung và xã Quang Chiểu nói riêng. Ông Tình là vốn quý của dân tộc Thái hiện nay", ông Hiệp nói.
Trước sự phát triển của xã hội, và ngày càng có nhiều người trẻ vì đi làm ăn xa đã lãng quên giá trị văn hóa dân tộc, thì những người như ông Hà Văn Tình đang trở thành báu vật sống gìn giữ nét đẹp cho dân tộc Thái, cho thế hệ mai sau.
Bình luận (0)