‘Đuối sức’ và lúng túng khi quản lý thông tin trên mạng xã hội

Trung Hiếu
Trung Hiếu
14/12/2018 18:51 GMT+7

Phó giám đốc Sở TT-TT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết địa phương đuổi theo 'hụt hơi' và rất 'lúng túng' trước những thông tin phát sinh, liên tục thay đổi của mạng xã hội.

Ngày 14.12, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại VN”.
Ông Hoàng Văn Định, Phó giám đốc Sở TT-TT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sự phát triển của internet, mạng xã hội đem lại lợi ích cho xã hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những khó khăn về quản lý nhà nước đối với loại hình này.
“Tôi phải dùng từ đuối sức, hụt hơi, không theo kịp và rất lúng túng - đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước. Các cấp, các ngành ở địa phương phải đuổi theo, rất lúng túng tìm cách xử lý những vấn đề mà mạng xã hội đưa ra. Từ đó việc đặt ra bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết giúp địa phương có những giải pháp trong thời gian tới”, ông Định nói.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Định cho hay tình trạng “hụt hơi” khi quản lý thông tin trên mạng không chỉ đối với Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn ở nhiều địa phương khác.
Đó là tình trạng các văn bản quản lý, điều chỉnh thường không theo kịp những thông tin phát sinh, thay đổi liên tục trên mạng xã hội kể cả góc độ hạ tầng kỹ thuật.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu có thời gian khá lâu sử dụng mạng xã hội và có một số nguyên tắc khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội Ảnh: Trung Hiếu
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM, rất tâm đắc với một nghiên cứu của thạc sĩ Lê Thị Thanh Vy (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) chỉ ra những đặc tính mạng xã hội Việt Nam có nhiều tương đồng với những giao tiếp truyền thống: “Cư dân mạng” là một “nhóm dân gian” và chia sẻ với nhau một loại hình “văn hóa dân gian”.
“Nói đơn giản là giao tiếp trên mạng xã hội cũng giống như “dư luận” làng xã qua “chè chén”, “tám”, “ngồi lê đôi mách”, “đồn thổi”… Những dư luận xã hội như vậy xưa nay thường không được coi là chính thống, thậm chí coi dân gian đối lập với chính thống”, tiến sĩ Hậu bày tỏ.
Tiến sĩ Hậu cũng cho biết có thể coi bộ quy tắc mà Bộ TT-TT đang xây dựng như một “luật chơi” trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, nếu “luật chơi” do nhà quản lý đặt ra không hoặc chưa thích hợp với “luật chơi” vốn có của mạng xã hội thì khó có hiệu quả vì ít người thực hiện luật chơi ấy.
Tiến sĩ Hậu chia sẻ những nguyên tắc của người chơi mạng xã hội quốc tế để người dùng trong nước tham khảo: Không tham gia vào các cuộc tranh luận công khai, đặc biệt là tranh luận những vấn đề không liên quan đến mình hay những vấn đề mình không hiểu rõ; không đăng bài hoặc chia sẻ bài viết bất hợp pháp, bài viết lừa đảo; nghĩ về phản ứng của độc giả; không công khai thông tin cá nhân...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.