Khu chợ nằm ở ngã ba kênh Vàm Lẻo (ranh giới 2 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu) và kênh xáng Bà Bao (còn gọi là kênh Trời Sanh, một nhánh của sông Cổ Cò). Dịp Tết Nguyên đán này, nội tôi sẽ mua nhiều thứ hơn, không chỉ để nấu ăn, bày mâm cúng kiếng, mà còn để dành cho con cháu lai rai trong bàn ăn. Bà chuẩn bị nào là thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, cà ri, vịt khìa, cho tới củ kiệu, bánh tét, mứt dừa, kẹo đậu phộng…
Dịp tết, ngoài khu chợ đông nghịt, ồn ào, không phải chỉ vì í ới mặc cả, mà còn nghe chuyện người quen, hàng xóm hỏi thăm nhau rằng nhà đông đủ chưa, con cháu làm ăn xa đã về nhà chưa… Trước những lời thăm hỏi như vậy, nội tôi sẽ tự tin trả lời rằng con cháu mình năm nào cũng tụ họp đông đủ, nhất là hôm nay, mùng 1 tết (ngày 10.2).
Ở quê tôi, hầu như năm nào, gia đình ai có người đi xa thì đều họp mặt đầy đủ, nếu có thiếu thì thiếu người đi nước ngoài không thu xếp được về quê ăn tết. Tầm 27 - 28 tháng chạp, ở trong nhà đã nghe tiếng xe máy chạy rầm rập ngoài đường, tiếng động cơ nghe như pháo nổ giòn tan.
Xe chở lỉnh kỉnh đồ đạc, quà tết; ngó qua hiên nhà nào cũng trưng các chậu hoa tươi thắm, nhiều nhà quày quả nguyên liệu trước sân để gói, nấu bánh tét. Hàng xóm kháo nhau đứa này, đứa kia mới "từ thành phố về rồi" (tức từ TP.HCM trở về).
Ngày tết, trên khắp đất nước Việt Nam, có nhiều phong tục đón tết, tạo nên những nét văn hóa rất hấp dẫn, đa đạng. Tại miền Nam, ngoại trừ nghi lễ truyền thống như 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, 30 tháng chạp cúng tổ tiên thì gia đình tôi luôn "thủ sẵn" đồ ăn ngày tết, để khách nào tới thăm đều sẵn sàng mời khách. Bởi trong suốt những ngày tết, không phải chỉ họ hàng mà hàng xóm, bè bạn, khách bộ hành đến thăm gia đình nhau cũng rất nhiều.
Riêng mùng 1 tết, tôi sẽ thăm và lì xì bên nhà ngoại, nhà nội, nghe ông bà nhắc lại chuyện thời khai hoang lập địa, rồi cùng gia đình đi chùa cầu an. Tối mùng 1, có năm, tôi đi cùng ba đến nhóm đàn ca tài tử miệt vườn, nhưng phần lớn các năm tôi chỉ ở nhà, nghe các hộ dân 2 bên bờ sông thi ngầm. Thi gì? Thi văn nghệ.
Suốt thời gian ở quê, hầu như chưa ngày nào tôi thấy thiếu các giọng ca vàng đua nhau trổ tài, hát từ các điệu lý, tới cả 20 bản tổ (Ba Nam, Sáu Bắc, Bảy Hạ, Bốn Oán) rồi sau đó là nhạc bolero, các bản vọng cổ, trích đoạn cải lương…
Những ngày tết trôi qua trong tôi thanh thản như vậy, bởi về quê, đối với tôi không chỉ là một việc làm "phải phép" của con cháu với gia đình, quê hương, nguồn cội, mà còn dịp quý giá để tôi thăm lại những người thân quen, có thời gian lắng đọng sửa soạn lại cuộc đời mình, dẹp đi những điều cũ kỹ để lấy đà cho một hành trình mới.
Trước khi về nghỉ tết, tôi có đi nhiều khu trọ tại TP.HCM để phỏng vấn công nhân lao động và họ đều là những người xa xứ. Như họ, tôi và lứa thanh niên quê, tôi chọn TP.HCM là nơi lập nghiệp. Một phần là vì để theo đuổi ước mơ, phần vì TP.HCM có nhiều cơ hội kiếm sống hơn ở quê. Nhiều anh em họ của tôi làm công nhân ở H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, lái xe container đường dài… Có những người bác, cô làm bác sĩ, giáo viên, kế toán, hay làm ăn xa ở Hàn Quốc, Đài Loan…
Vì cũng là người xa quê, nên tôi hiểu được phần nào mong muốn trở về quê trong kỳ nghỉ dài và đặc biệt này. Lý do về quê ăn tết trước hết là thăm nhà, sau là để đoàn tụ với con cái, họ hàng. Nhưng quan trọng hơn, là để biết rằng sau những bộn bề ngược xuôi mưu sinh nơi phố thị, mình vẫn có một nơi để trở về, thuộc về và phải về.
Ngay khi viết những dòng này, mùa xuân đã đến, nhưng con số gia tăng người lao động làm hồ sơ lãnh trợ cấp thất nghiệp làm người ta không khỏi chạnh lòng. Chỉ riêng tại TP.HCM, thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy chỉ tính riêng trong tháng 1.2024, TP.HCM tiếp nhận 9.814 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3.705 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023. Khó khăn vẫn còn đó và có thể lo lắng sẽ còn kéo dài…
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, đến nay, thị trường lao động tại TP.HCM chứng kiến nhiều "cú sốc" lớn. Vì kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên nhiều người phải ngậm ngùi ở lại thành phố, canh cánh nỗi nhớ nhà khi thấy hàng xóm khu trọ ai cũng lật đật sửa soạn về quê.
Có những trường hợp công nhân khó khăn đến độ đã xa quê hơn 10 năm rồi, con cái họ sống ở thành phố chưa một lần biết đến quê hương… Những câu hát quen thuộc vang từ các khu trọ "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương…" (Xuân này con không về) cũng cho thấy phần nhiều nỗi niềm của người lao động tha phương cầu thực.
Nhưng cũng có nhiều người, chỉ với mong ước giản dị rằng năm nay về quê ăn tết, đã chắt chiu từ rất sớm, khoản này cho vé xe, khoản này để lì xì, mua quần áo mới cho con… Rồi khi các chương trình tặng vé xe, vé tàu cho công nhân lao động tại TP.HCM nhiều hơn, thì ước mơ về quê ăn tết của họ như được trút đi phần nào gánh nặng. Nhiều chủ trọ tốt bụng cũng tổ chức các buổi lễ tất niên, tặng quà tết, động viên lao động dành tâm sức cho năm mới. Lòng người cũng vì thế mà yên ổn hơn.
Rồi cái tết cũng qua đi, người con xa xứ lại bắt đầu một hành trình mới, kỳ vọng về một cái tết đoàn viên, sum vầy và no ấm hơn. Tôi cứ lẩm nhẩm câu thơ của nữ tác giả Nguyễn Thiên Ngân: "Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt/ Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu/ Người sẽ bước một mình qua bóng tối/ Dưới trời này, sao sáng cũng vì nhau".
Bình luận (0)