Theo TCVN 5729:2012 do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT biên soạn ban hành năm 2012, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt (không bắt buộc số làn tối thiểu - PV), không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác...
|
|
Nếu so với TCVN 5729:1997 ban hành năm 1997, các tiêu chí thiết kế kỹ thuật đường cao tốc VN đã được Bộ GTVT hạ xuống khá nhiều. Cụ thể, theo tiêu chuẩn năm 1997, đường cao tốc là đường chuyên dùng cho xe ô tô chạy với các đặc điểm: tách riêng 2 chiều (mỗi chiều phải có tối thiểu 2 làn xe), mỗi chiều đều phải có bố trí làn dừng xe khẩn cấp...
Tiêu chuẩn ngày càng “thoáng”
Bên cạnh đó, dù vẫn giữ quy định chia làm 4 cấp đường cao tốc (cấp 60 km/giờ, cấp 80 km/giờ, cấp 100 km/giờ và cấp 120 km/giờ), nhưng tiêu chuẩn ban hành năm 2012 cũng “thoáng” hơn rất nhiều cho nhà đầu tư nếu so với tiêu chuẩn năm 1997.
Cụ thể, tiêu chuẩn năm 2012 chỉ quy định ngắn gọn: cấp 60 và 80 (km/giờ) áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác, cấp 100 và 120 (km/giờ) cho vùng đồng bằng. Nhưng theo tiêu chuẩn năm 1997, cao tốc được chia làm loại A (bố trí nút giao khác mức ở tất cả các điểm ra/vào cao tốc) và B (bố trí nút giao ở một số điểm). Với đường cao tốc loại A chỉ được áp dụng các cấp 80, 100 và 120 (km/giờ), trong đó cấp 80 chỉ áp dụng ở địa hình khó khăn núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác...
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đường cao tốc loại A với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1,5 tỉ USD từ nguồn vốn vay ODA, được đưa vào lưu thông năm 2014. Tuy nhiên, chỉ đoạn tuyến từ Hà Nội đi Yên Bái được xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai hiện chỉ được xây dựng 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, giai đoạn 2 dự án Nội Bài - Lào Cai hiện vẫn chưa thu xếp được vốn để triển khai do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đồng ý về mặt chủ trương, như vậy việc xây dựng đoạn tuyến từ Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn vẫn tiếp tục phải chờ đợi trong vài năm tới. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, đoạn từ Yên Bái - Lào Cai (khoảng 100 km) chỉ có 2 làn xe là “có hạn chế”, nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về mặt đường, độ dốc dọc của cao tốc. Theo ông Trường, Nhật Bản và nhiều nước cũng áp dụng cao tốc 2 làn xe với tốc độ cao tới 80 - 100 km/giờ.
Lý giải cho việc chủ đầu tư vẫn được phép thu phí những đoạn tuyến 2 làn xe, ông Trường cho rằng các dự án cao tốc áp dụng hình thức thu phí kín, chủ đầu tư được quyết định mức thu và trình Bộ Tài chính, GTVT xem xét phê duyệt.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia, chưa hợp lý nếu xem và thu phí đoạn tuyến từ Yên Bái - Lào Cai như cao tốc, mà chỉ nên xem là tiền cao tốc. Thực tế, việc chạy xe với tốc độ khá cao trên đường chỉ có 2 làn không dải phân cách đã dẫn tới một số vụ tai nạn. Tổng cục Đường bộ VN mới đây đã đề xuất lên Bộ GTVT thanh tra dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai do nhận thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định hiện hành trong công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Chưa kể, dù mới hoàn thiện giai đoạn 1, nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN vẫn được phép thu phí cả dự án với mức giá 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Thảm lại đường, rồi thu phí cao
Hiện tại, một số đoạn tuyến cao tốc được xây dựng trên cơ sở nâng cấp mặt đường, thảm lại nhựa mặt đường cũ như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hay Hà Nội - Bắc Giang (đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Ninh). Cụ thể, dự án BOT nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành cao tốc được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 nâng cấp mặt đường cũ, trải thảm nhựa theo tiêu chuẩn cao tốc với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng.
So với những dự án cao tốc tổng mức đầu tư hàng tỉ USD khác, nhà đầu tư dự án chỉ phải bỏ ra số vốn khá khiêm tốn, nhưng chủ đầu tư được phép áp dụng luôn mức phí cao tốc 1.500 đồng/km ngang bằng nhiều cao tốc khác, với thời gian cũng tương đối dài (tạm tính hơn 17 năm theo hợp đồng).
Tù mù
Trả lời về việc dự án chỉ nâng cấp mặt đường cũ, thảm lại nhựa đường nhưng được thu phí theo chuẩn cao tốc thì có hợp lý không, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng mức phí cao tốc theo quy định từ 1.500 - 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, dự án đã đáp ứng được các tiêu chuẩn cao tốc về mặt đường, độ dốc... nên mức phí thu như trên không cao.
|
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Quang Toản (Đại học Giao thông vận tải), khái niệm cao tốc ở VN đang có nhiều điểm tù mù. Ở các nước tiên tiến, phân biệt rõ khái niệm cao tốc gồm express way (quy định tốc độ tối đa và tối thiểu), free way (không hạn chế tốc độ tối đa), tốc độ giao thông không phụ thuộc vào số làn, nếu lưu lượng xe ít vẫn cho phép lưu thông 100 km/giờ.
“Khái niệm của VN còn khá tù mù, muốn gọi là cao tốc thì là cao tốc, nhưng đường 2 làn xe thì cũng có thể chỉ xem như tiền cao tốc, hay thậm chí quốc lộ vì tốc độ lưu thông cũng chỉ 80 km/giờ. Với những dự án chỉ nâng cấp đường cũ lên thành cao tốc, tổng mức đầu tư vài nghìn tỉ đồng thì các bộ cần tính toán lại thời gian thu phí ngắn hơn 5 - 10 năm, không nên kéo dài như các dự án khác, vì mức thu phí đã cao, bất hợp lý cho người tham gia giao thông, nếu không sự bất đồng, phản ứng về mức phí của người dân, doanh nghiệp với chủ đầu tư sẽ tiếp diễn”, ông Toản đề xuất.
Một chuyên gia đánh giá với mục tiêu xây dựng thêm hơn 1.000 km cao tốc trong vài năm tới, Bộ GTVT cũng cần cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, những dự án có tính cấp thiết, tránh lặp lại tình trạng xẻ nhỏ dự án như đã diễn ra tại QL1 khiến trạm thu phí bủa vây người dân.
Địa phương từ chối
Tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn từ Hà Nội (cầu Phù Đổng) - Bắc Ninh năm 2001 đã được đầu tư thành đường cấp 1 bề rộng 4 làn xe, nền đường 6 làn. Nhà đầu tư đã nâng cấp mặt đường đối với đoạn Hà Nội - Bắc Ninh và xây thêm 2 làn (thành 4 làn) với đoạn tuyến Bắc Ninh - Bắc Giang theo chuẩn cao tốc.
Dự kiến, cuối tháng 5.2016, sau khi nghiệm thu, chủ đầu tư sẽ được tiến hành thu phí tại dự án này. Tuy nhiên, trong văn bản gửi lên Bộ GTVT mới đây, ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết đoạn tuyến từ Hà Nội - Bắc Ninh dài 20 km nâng cấp trên nền đường QL1 cũ, chỉ trải thêm bê tông nhựa, không mở rộng, không mở thêm làn cho phương tiện mô tô, xe máy và xe thô sơ và cũng không xây dựng đường gom.
Do vậy, việc khai thác sử dụng QL1 theo tiêu chuẩn đường cao tốc (vận tốc thiết kế là 100 km/giờ) là không hợp lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
|
Bình luận (0)