Đường dây đòi nợ kiểu khủng bố bị Công an TP.HCM triệt phá ra sao?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
29/05/2023 14:37 GMT+7

Liên quan đường dây đòi nợ kiểu khủng bố bị Công an TP.HCM triệt phá, các bị can đã có hành vi cung cấp tin nhắn mẫu chửi bới, đe dọa người chậm trả nợ, để nhân viên đòi tiền khách vay.

Liên quan đường dây cho vay, đòi nợ kiểu "khủng bố" do người Trung Quốc cầm đầu, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 11 bị can là giám đốc, trưởng nhóm 3 Công ty Tiếng Nói Hay, Công ty Golden, Công ty Bamboo và 32 ứng dụng cho vay tài chính về tội "cưỡng đoạt tài sản".

Đường dây đòi nợ kiểu khủng bố bị Công an TP.HCM triệt phá ra sao? - Ảnh 1.

Mỗi người nhận khoảng 10 hồ sơ khách vay trễ hạn để đòi nợ

HOÀNG HUY

11 bị can gồm: Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi), Vũ Ngọc Minh Khánh (28 tuổi), Nguyễn Thị Thùy Vân (28 tuổi), Đàm Chí Hào (26 tuổi), Châu Khả Nghi (26 tuổi, cùng ngụ TP.HCM), Trần Thị Mai (27 tuổi, quê Ninh Thuận), Trần Thị Thanh Hương (28 tuổi, quê Đồng Tháp), Nguyễn Thị Cẩm Hồng (22 tuổi, quê Trà Vinh), Trần Tân Tiến (35 tuổi, quê Đồng Nai), Nguyễn Vạng Trung (32 tuổi, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Thanh Tùng (26 tuổi, quê Vĩnh Long).

Tại CQĐT, các bị can khai nhận những bị can cầm đầu đường dây cung cấp tin nhắn mẫu chửi bới, đe dọa người chậm trả nợ, để nhân viên khủng bố họ, đòi tiền.

Đường dây đòi nợ kiểu khủng bố bị Công an TP.HCM triệt phá ra sao?

Thủ đoạn đòi nợ của đường dây

CQĐT xác định, Hải làm Giám đốc Công ty Tiếng Nói Hay (trụ sở ở Q.7) nhưng doanh nghiệp này do người Trung Quốc điều hành. Hải có nhiệm vụ tuyển các trưởng nhóm, nhân viên, chuyên gọi điện nhắn tin đòi nợ bằng sim rác với các mẫu soạn sẵn như: "Súc sinh", "ăn quỵt tiền"... để đe dọa khách vay và người thân.

Hải giao nhiệm vụ cho từng thành viên, mỗi người nhận khoảng 10 hồ sơ khách vay trễ hạn. Các nhân viên có chỉ tiêu từng tháng, đòi được nợ sẽ được chia hoa hồng và tiền thưởng.

Đường dây này có hơn 32 ứng dụng cho vay tiền online như: NamLoan, BlueVay, AppleLoan, SunLoan, MunLoan, Pedong, BeeLoan, reddong, HotDong, Nano, Gola, Ảo Thuật Gia, Sun Shine Loan, Eagel, Caft, Ech Vay, Hưu cao cổ, Camel, Hồ lô, Kinh kong, Địa chủ, Khủng long, Xương rồng, Sao băng, Thiên nga, Chìa khóa, Tự do, Độc lập, Baovay, Goldvay, Sugarvay, Ezvay, Ppvay, Fullcash, Cfcash, 99cash, Maxvay, Wellvay, Ucvay, Fixloan, Dodong, Findong, Roseloan, Bigcash, Cash66, Flydong, Okloan, Aloloan, Seacash...

Các đối tượng chỉ đạo nhân viên đòi nợ theo 3 cấp độ. Ở cấp độ 1, nhắn tin, gọi điện thoại cho khách vay, người thân đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm mục đích để họ trả tiền cho công ty.

Ở cấp độ 2, nhân viên nhắn tin cho khách vay và người thân với nội dung "Người vay tiền liên hệ lại số điện thoại này để giải quyết nợ bên công ty tài chính, app vay, còn trốn tránh sẽ ghép ảnh vợ, con vào trang mạng làm gái, con em lên bàn thờ và đăng lên mạng xã hội, gửi bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, dán cột điện ở khu vực sinh sống".

Ở cấp độ 3, nhân viên gọi điện thoại cho người thân của khách vay đe dọa họ trả tiền, cho vay tiền trả nợ hoặc đề nghị gây áp lực đến khách vay trả nợ cho công ty. Nếu người vay tiền hoặc người thân vẫn tiếp tục không trả nợ, sẽ dùng hình ảnh người thân khách vay ghép vào thông tin trốn nợ, lên bàn thờ, làm gái bán dâm và hình ảnh nhạy cảm (do công ty cung cấp) để đăng lên mạng xã hội Facebook, gửi vào phần bình luận của Facebook bạn bè của khách vay, gửi vào Zalo của khách và người thân, bạn bè của khách thông qua danh bạ khách.

Ứng dụng cho vay có nhiều bộ phận như thẩm định vay, quản lý hệ thống, nhắc nợ và thu nợ đúng hạn, nhân viên đòi nợ và bán nợ.

Xem nhanh 20h ngày 29.5: Thực hư tin đồn ‘Đại Nam thất thủ’ | Đường dây ghép hình thờ để đòi nợ

Dọa ghép ảnh gia đình con nợ dán cột điện

Đối với cách thức hoạt động của Công ty Golden, CQĐT xác định bị can Đàm Chí Hào (ngụ Q.6), Châu Khả Nghi (ngụ Q.Bình Tân), Trần Thị Mai (ngụ TP.Thủ Đức) nhận nhiệm vụ quản lý các ứng dụng vay tiền như: Baovay, Goldvay, Sugarvay, Ezvay, Ppvay, Fullcash, Cfcash, 99cash, Maxvay, Wellvay, Ucvay, Fixloan, Dodong, Findong, Roseloan, Bigcash, Cash66, Olydong, Okloan, Aloloan, Seacash.

Trần Thị Mai quản lý tất cả nhân viên của các ứng dụng vay tiền này để điều hành hoạt động, hướng dẫn cách thức đòi tiền và được trả lương kèm theo phụ cấp là tiền thưởng, tiền trách nhiệm. Mỗi ứng dụng vay có nhóm Zalo điều hành, trong nhóm có nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên đòi nợ.

Đường dây đòi nợ kiểu khủng bố bị Công an TP.HCM triệt phá ra sao? - Ảnh 2.

Công an đọc lệnh bắt tạm giam với các bị can trong đường dây tín dụng đen

HOÀNG HUY

Tại CQĐT, bị can Đàm Chí Hào và Châu Khả Nghi khai nhận cả hai chung sống như vợ chồng, cùng làm nhân viên thu hồi nợ tại Công ty Golden từ tháng 6.2022 đến nay.

Trong đó, Hào được nhận vào công ty làm việc tại nhóm nợ trễ hạn dưới 7 ngày, bao gồm 3 nhóm, dùng các ứng dụng: Goldway, Dodong, Fixloan. Còn Nghi được giới thiệu làm việc ở bộ phận nhóm nhắc nợ đến hạn, dùng ứng dụng Findong, Fullcash của hệ thống Công ty Golden do Trần Thị Mai quản lý.

Bị can Hào, Nghi mỗi ngày gọi điện thoại cho khách vay yêu cầu trả tiền, nếu không nghe máy thì nhắn tin cho khách vay và người thân với nội dung: "Người vay tiền liên hệ lại số điện thoại này để giải quyết nợ bên công ty tài chính ứng dụng Goldvay, Dodong và Fixloan, còn trốn tránh anh ghép ảnh vợ em vào trang mạng làm gái, con em lên bàn thờ và đăng lên mạng xã hội, gửi bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, dán cột điện ở khu vực em sống".

Công ty tài chính Bamboo, có văn phòng đại diện tại 86 Nguyễn Trãi, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Bị can Trần Thị Thanh Hương là nhân viên thu hồi nợ của công ty này. Khách vay nợ của Công ty Bamboo qua các ứng dụng gồm Ảo Thuật Gia, Sun Shine Loan, Eagel, Caft, Ech Vay, Hưu cao cổ, Camel, Hồ lô, Kinh kong, Địa chủ, Khủng long, Xương rồng, Sao băng, Thiên nga, Chìa khóa.

Đường dây đòi nợ kiểu khủng bố bị Công an TP.HCM triệt phá ra sao? - Ảnh 3.

Các bị can là giám đốc, trưởng phòng, trưởng nhóm của 3 công ty cho vay

HOÀNG HUY

CQĐT xác định, Hương liên lạc qua Zalo với khách vay, nhắn tin yêu cầu trả nợ và gửi hình ghép ảnh khách vay vào mẫu do chủ cung cấp, với nội dung "truy tìm đối tượng lừa đảo". Sau đó, Hương dùng tài khoản Facebook ảo tìm kiếm Facebook nạn nhân để tiếp tục gửi ảnh ghép trên cho người thân, bạn bè nhằm đe dọa, uy hiếp tinh thần buộc khách vay phải trả nợ.

Hiện CQĐT tiếp tục đấu tranh mở rộng, truy xét bắt giữ các đối tượng giúp sức hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản.

Qua các vụ việc đã khám phá trong thời gian qua và tình hình cho vay qua các ứng dụng trên không gian mạng, Công an TP.HCM cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác. Khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động, các ngân hàng để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi với lãi suất phù hợp theo quy định của nhà nước.

Theo Công an TP.HCM, người dân không nên vay tiền qua các ứng dụng trên không gian mạng hoạt động trái phép, có nguy cơ bị lộ lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và để các đối tượng quấy rối cố ý hư hỏng tài sản (tạt sơn, chất bẩn) gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Ngoài ra, các đối tượng có thể sẽ bán thông tin cá nhân cho các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo hoặc thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.