Đường dây 'tín dụng đen' xuyên quốc gia: Lộ diện 'ông trùm' người Trung Quốc

28/05/2022 06:17 GMT+7

Công an TP.Hà Nội bắt khẩn cấp 'ông trùm' người Trung Quốc cùa một đường dây 'tín dụng đen' xuyên quốc gia.

Ngày 27.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Liu Dan Yang (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc; tạm trú P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Thủ đoạn của "ông trùm" người Trung Quốc trong đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia

Ngoài Yang, Công an TP.Hà Nội cũng bắt khẩn cấp 20 người là quản lý, nhân viên trong đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia trên để làm rõ các hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “cưỡng đoạt tài sản”.

Liu Dan Yang

Thùy An

Yang khai nhận năm 2017 có quen một người đàn ông Trung Quốc tên Li, là Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Hân Tinh Thâm Quyến tại Trung Quốc. Công ty này chuyên lập trình, quảng cáo các phần mềm (app) cho vay online. Để mở rộng thị trường, Li tìm người để lập công ty, tuyển nhân viên hành chính, kế toán, thẩm định cho vay, thu hồi nợ, phát triển thị trường… nhằm hoạt động “tín dụng đen”.

Theo lời khai của Yang, từ tháng 6.2019, Li trả công 50 triệu đồng/tháng để Yang quản lý, điều hành, vận hành app cho vay “Ovay” cho một công ty con của Li đặt tại VN. Đến tháng 3.2020, Li đổi tên công ty thành Công ty TNHH công nghệ thông tin YooPay VN và yêu cầu Yang bàn giao việc quản lý app “Ovay” cho người khác để đưa Yang lên làm giám đốc điều hành. Công ty này có chức năng trung gian, “chi hộ” và “thu hộ” cho khách vay theo danh sách từ bộ phận cho vay gửi về.

Bước đầu, Công an Hà Nội xác định trong đường dây này Nguyễn Quang Vũ (35 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) thay mặt Li để quản lý, điều hành việc cho vay, ký các giấy tờ với ngân hàng; còn Zhang Min (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc; tạm trú Q.Ba Đình, Hà Nội) điều hành bộ phận nhắc và truy thu nợ. Cả 2 đối tượng này đã bị bắt khẩn cấp.

Theo thủ tục vay, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và dùng danh bạ điện thoại của mình để thế chấp là có thể vay từ 2 - 30 triệu đồng. Nếu người vay không trả được gốc như cam kết, tiền lãi sẽ được nhân lên theo tháng, có thể lên tới 2.190%/năm. Đặc biệt, người vay và người thân còn bị bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện khủng bố, đe dọa để ép trả nợ.

Để hợp thức hóa việc cho vay nặng lãi và đòi nợ, Vũ cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty cầm đồ và điều hành 3 app cho vay tiền, gồm “cashvn”, “vaynhanhpro” và “Ovay”. Cho đến thời điểm bị triệt phá, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app này khoảng gần 1 triệu người, số tiền giải ngân cho vay mỗi tháng lên tới 100 tỉ đồng.

Để thu hồi nợ, Zhang Min chỉ đạo, phân theo 3 cấp độ, chỉ rõ nhiệm vụ cho từng cấp. Cấp M0 có nhiệm vụ nhắn tin, gọi điện thúc giục khách trả nợ khi quá hạn từ 1 - 3 ngày không trả nợ gốc; M1 có nhiệm vụ đe dọa cả khách lẫn người thân của khách nếu quá hạn trả nợ từ 4 - 9 ngày; mức độ nặng nhất là M3, chuyên truy thu những “hồ sơ chết” nợ quá 19 - 60 ngày và khách hàng đổi chỗ ở hoặc bỏ đi nơi khác, nếu tìm được thì bằng mọi cách lấy tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.