Đường đi của nông sản Trung Quốc 'đội lốt' Đà Lạt: Làm bất chấp vì siêu lợi nhuận

Đức Tiến
Đức Tiến
12/09/2018 10:00 GMT+7

Trước thời điểm lệnh cấm nông sản Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt được ban ra, nhiều tiểu thương khẳng định đã có phương án dự phòng để tiếp tục “phù phép” rau củ Trung Quốc thành hàng Đà Lạt nhằm thu siêu lợi nhuận.

Ngày 11.9, PV Thanh Niên tiếp tục đến chợ nông sản Đà Lạt và nhận thấy các tiểu thương ở đây không ngừng bàn tán về việc địa phương sẽ cấm đưa nông sản Trung Quốc (TQ) vào chợ nông sản Đà Lạt từ 15.9. Xôn xao là vậy, nhưng hầu hết tiểu thương đều tỏ ra không mấy lo lắng bởi họ đã có phương án dự phòng.
[VIDEO] Cận cảnh đổi “quốc tịch” cho khoai tây Trung Quốc bằng đất Đà Lạt
Đổ đất vào máy trộn khoai
Đổ đất vào máy trộn khoai ẢNH: ĐỨC TIẾN
[VIDEO] Cách phân biệt nông sản Trung Quốc và Đà Lạt bằng mắt thường

“Sao mà cấm được. Cấm ở chợ thì đem về các vựa bên ngoài trộn. Trong khi nhu cầu ở các tỉnh rất lớn nên bằng cách này hay cách khác vẫn sẽ tiếp tục trộn thôi. Nói thật với em luôn, trộn khoai tây là siêu lợi nhuận. Khoai tây TQ nhập về chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg; trong khi khoai tây Đà Lạt từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Trộn đất đỏ xong bán cho các thương lái chừng 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi tấn khoai bán ra kiếm vài triệu nhẹ như chơi”, một chủ vựa ở chợ nông sản Đà Lạt nói.
Trộn tay và trộn máy
Theo tìm hiểu của PV, xã Xuân Thọ (cách chợ nông sản Đà Lạt, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng khoảng 3 km) là nơi được mệnh danh “thủ phủ” của khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, mùa này đang mưa nên không có ai trồng khoai tây. Những hộ làm sớm nhất cũng chỉ vừa xuống giống được vài ngày. Thế nhưng, khoai tây mang “thương hiệu” Đà Lạt vẫn tràn ngập ở xứ này.
“Toàn khoai tây TQ thôi chứ giờ ở đây làm gì còn khoai tây Đà Lạt. Mùa này, ở xã Xuân Thọ người ta chỉ trồng sú, dâu tây, bắp cải. Ít nhất phải 4 tháng nữa ở đây mới thu hoạch khoai tây”, anh Trần Văn Nam (38 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) khẳng định khi đưa chúng tôi tới chợ nông sản Đà Lạt.
Nói thật với em luôn, trộn khoai tây là siêu lợi nhuận. Khoai tây TQ nhập về chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg; trong khi khoai tây Đà Lạt từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Trộn đất đỏ xong bán cho các thương lái chừng 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi tấn khoai bán ra kiếm vài triệu nhẹ như chơi
Một chủ vựa ở chợ nông sản Đà Lạt

Ở chợ, PV lên xe tải đến sạp của bà T., đúng lúc bà này cùng 2 công nhân đang hì hục phân loại khoai tây vàng TQ rồi trộn đất để biến thành “hàng Đà Lạt” nhằm kịp giao hàng. Bị tài xế hối thúc, bà T. hí hoáy rưới đất vào khoai, ngước lên nói: “Giờ tụi mày đừng nói gì hết. Để tao làm”. Theo tài xế N.V, lô hàng anh chở hơn 1 tấn sẽ có điểm đến là tỉnh Vĩnh Long.
Theo quan sát của PV, phía trước cửa sạp của bà T. ngổn ngang khoai tây hồng, vàng của TQ. Một số đã được trộn đất, đóng gói; số khác đang được các nhân công “tắm rửa”. Một nữ nhân công ngồi phân loại khoai tây vàng TQ bỏ vào thành nhiều bịch loại 10 kg. Xong xuôi, người này cầm thau vào ki ốt gần đó hốt đất ra, rồi lần lượt rải đều 2 nắm đất “hồng phiến” vào mỗi bịch khoai 10 kg. Xong xuôi, chị này lại lần lượt cầm 2 vai của bịch ni lông lắc qua lắc lại cho đất đỏ thấm đều lên bề mặt da khoai tây. Chỉ vài thao tác khá đơn giản, khoai tây TQ từ màu vàng ươm bỗng hóa thành “khoai tây Đà Lạt” với lớp áo dính đất đỏ. Lô hàng này ước khoảng vài trăm ký, được xếp gọn một góc chờ cửu vạn đưa lên xe tải chở đi các tỉnh.
Khoai Trung Quốc trộn đất đỏ Đà Lạt của sạp bà T. được đóng trong các bịch ni lông lớn chuẩn bị giao cho thương lái ở miền Tây
Khoai Trung Quốc trộn đất đỏ Đà Lạt của sạp bà T. được đóng trong các bịch ni lông lớn chuẩn bị giao cho thương lái ở miền Tây ẢNH: ĐỨC TIẾN

Với các lô hàng lớn, bà T. cho nhân công dùng máy trộn ướt đất đỏ từ trước, sau đó để qua đêm cho ráo nước. Đến hôm sau, trước khi giao cho bạn hàng, số khoai tây TQ này sẽ được rưới thêm đất “hồng phiến” loại khô một lần nữa để đảm bảo “đúng chuẩn khoai Đà Lạt” với lớp áo đỏ bàng bạc. “Lô hàng lớn phải làm công phu hơn để không ai nhận ra đâu là hàng TQ”, một người làm công cho bà T. lý giải.
Theo các nhân công, đất “hồng phiến” khô và ướt trong kho này là để trộn khoai tây Trung Quốc ẢNH: ĐỨC TIẾN
Theo các nhân công, đất “hồng phiến” khô và ướt trong kho này là để trộn khoai tây Trung Quốc ẢNH: ĐỨC TIẾN

Gắn nhãn Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc
Cấm chợ thì đưa về kho dự phòng!
Tình trạng tiểu thương trộn đất đỏ để “hóa kiếp” nông sản TQ thành hàng bản xứ không chỉ xảy ra ở chợ nông sản Đà Lạt, mà còn phổ biến ở nhiều vựa nông sản lân cận. Cách chợ này khoảng 1 km, hướng về trung tâm TP.Đà Lạt là kho hàng của một chủ vựa tên Tuyết. Theo tìm hiểu của PV, ngoài sạp ở chợ nông sản Đà Lạt, bà Tuyết còn dự phòng kho hàng này để “mặc áo” cho khoai tây TQ.
Kho dự phòng của bà Tuyết rộng khoảng 100 m², xung quanh được rào tôn kín mít. Bên trong, đập vào mắt của khách hàng là cả chục tấn khoai tây được chất lớp cao quá đầu người. Cạnh đó là các bao đất “hồng phiến” với đủ loại màu. Đất khô được sang ra bỏ trong xô nhỏ, còn đất đỏ ướt bỏ trong thau lớn gần máy trộn.
Hai nhân công hì hục đóng gói khoai tây vào những bịch ni lông lớn để kịp giao cho bạn hàng. “Khoai này mình đưa đi đâu vậy anh?”, chúng tôi hỏi. Một nhân công ở đây nhanh nhảu: “Đưa về mấy tỉnh miền Tây”. Người này cũng thừa nhận toàn bộ số khoai tây ở kho đều là hàng TQ và đã được trộn đất để biến thành khoai Đà Lạt.
Chúng tôi đến gần một máy trộn chỉ vào một rổ đất đỏ ướt gác trên máy, tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ủa, đất này mình để làm gì vậy anh?” và được một nhân công giải thích: “Thì để trộn khoai vàng TQ đó. Loạt đất ướt mình trộn trực tiếp lúc rửa khoai. Còn đất khô thì sau này mình mới rưới. Vì mùa này toàn khoai TQ chứ làm gì có hàng Đà Lạt. Vựa nào cũng vậy thôi”.
Cũng theo người này, mỗi ngày anh đóng khoảng 2 - 3 tấn khoai tây TQ đã nhuộm đất đỏ Đà Lạt để bà Tuyết giao cho bạn hàng ở các tỉnh miền Tây. (còn tiếp)
 
Chuyển đất Đà Lạt về các tỉnh để “tắm” nông sản Trung Quốc
Theo “dân trong nghề”, loại đất mà các tiểu thương Đà Lạt gọi là “hồng phiến” để trộn vào khoai tây, cà rốt được lấy ở vùng chuyên trồng khoai tây Đà Lạt như xã Xuân Thọ. Khi nhu cầu làm giả khoai Đà Lạt tăng cao, đã xuất hiện một nghề mới là đào “hồng phiến” bán cho chủ vựa.
Đất “hồng phiến” có các loại đỏ tươi, đỏ sẫm, xám, được đào ở độ sâu từ 1 - 2 m rồi đem về phơi khô. Sau đó, đất được sàng lọc hết đá, sỏi... rồi đem đi cán nhuyễn như bột. Các chủ vựa mua về “tắm” cho khoai tây, cà rốt TQ rồi tung ra thị trường với tên gọi “hàng Đà Lạt”.
Đáng lưu ý, để qua mặt cơ quan chức năng, nhiều chủ vựa còn xây dựng kho hàng ở các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... rồi vận chuyển đất “hồng phiến” tới trộn khoai tây, cà rốt TQ thành hàng Đà Lạt. Bên cạnh đó, các chủ vựa lớn kinh doanh rau củ ở các tỉnh cũng tìm mua đất “hồng phiến” từ Đà Lạt về để phục vụ việc “phù phép” khoai tây TQ nhằm thu siêu lợi nhuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.