Cuốn Đường Kách mệnh được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) trong chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam” (từ 18.5 đến tháng 8.2020). Bảo vật này được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc) dưới dạng in thạch rồi được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930. “Tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam; thúc đẩy phong trào yêu nước, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ”, theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
|
Tại triển lãm, Đường Kách mệnh được mở ra đúng trang có nội dung đánh dấu việc tổ chức Công hội đỏ, sau này là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Tác giả Nguyễn Ái Quốc viết: “Tổ chức Công hội trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Trưng bày có hơn 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh tương ứng với 3 nội dung: Sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam làm theo lời Bác.
Công chúng được xem tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về công nhân và Công hội: sách Bản án chế độ thực dân Pháp, Báo Thanh Niên, sách Đường Kách mệnh. Công chúng cũng được tìm hiểu giai cấp công nhân đã đi theo cách mạng thế nào; nhiều giấy khen của Bác chứng tỏ sự quan tâm tới công nhân và công đoàn; những hiện vật là sản phẩm từ các phát minh, sáng kiến của giai cấp này. Chẳng hạn, cây đèn tọa đăng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đèn được sử dụng trong cuộc họp của Kỳ bộ Bắc kỳ, quyết định chủ trương “Vô sản hóa” tại nhà ông Ngô Gia Tự ở H.Từ Sơn (Bắc Ninh) tháng 9.1928.
Tại đây còn trưng bày sản phẩm gang đầu tiên ra lò năm 1963 của Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên, kéo cắt chỉ của Nhà máy dệt Nam Định cùng nhiều vật dụng của các anh hùng lao động.
Bình luận (0)