Đường làm 13 năm vẫn 'treo' tái định cư: Cán bộ vi phạm chỉ bị xử lý 'cho có'

Nam Long
Nam Long
21/07/2022 07:10 GMT+7

Liên quan vụ đường làm 13 năm vẫn 'treo' tái định cư mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, nhiều cán bộ tỉnh Trà Vinh được xác định có vi phạm nghiêm trọng chỉ bị xử lý chưa thỏa đáng. Trong khi đó, tỉnh vẫn lúng túng trong việc tái định cư cho người dân và chi trả hợp đồng cho nhà đầu tư.

Dự án (DA) tuyến số 1 ở TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được phê duyệt năm 2006. Theo thiết kế ban đầu, DA có chiều dài 2.200 m, chiều rộng 19,5 m, tổng mức đầu tư hơn 141,6 tỉ đồng, do Sở GTVT Trà Vinh làm chủ đầu tư. Sau đó, DA được điều chỉnh, mở rộng lên thành 26 m và bổ sung dự toán thêm gần 14,8 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 160 tỉ đồng. DA triển khai vào tháng 4.2009, nhưng đến tháng 9.2009 thì Thanh tra tỉnh Trà Vinh phát hiện nhiều sai phạm nên phải đình lại và hủy bỏ.

Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Thanh tra tỉnh Trà Vinh xác định nhiều sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện DA này và vi phạm của từng cá nhân. Cụ thể, nhiều gói thầu thấp hơn giá mời thầu chỉ từ 0,012 - 1,13% có dấu hiệu “thông thầu”; nhà thầu không đủ năng lực, không đủ tư cách vẫn trúng thầu; điều chỉnh quy mô dự án không đúng quy định; bố trí tái định cư cho 12 người không có đất bị thu hồi…“Đây không chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm mà còn có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu; chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu”, báo cáo thanh tra số 120 của Thanh tra tỉnh nêu rõ.

Nhiều năm nay, hai bên đường tuyến số 1 tọa lạc vị trí đắc địa ở TP.Trà Vinh, nhưng bỏ hoang cỏ mọc um tùm

Nam Long

Báo cáo nhận định trách nhiệm của Sở GTVT Trà Vinh không tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh DA dẫn đến sai quy hoạch, gây hậu quả nghiêm trọng, có biểu hiện thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái với mục đích tư lợi cá nhân; sai về chủ trương, thực hiện chủ trương xây dựng cơ bản; thẩm định thiết kế kỹ thuật; tổng dự toán, đấu thầu…

Mặt khác, trong suốt quá trình thực hiện DA, Ban giám đốc và cán bộ chủ chốt Sở GTVT Trà Vinh không nắm được quy hoạch tuyến số 1, đây là điều rất bất hợp lý; lập DA bổ sung mở rộng sang bên trái tuyến mà không có chỉ định thầu và hợp đồng thiết kế nhưng vẫn thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt là sai với luật Xây dựng.

Sở KH-ĐT Trà Vinh là đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định DA, nên trong sai phạm này, Sở KH-ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở GTVT. Cụ thể, Sở KH-ĐT tiến hành thẩm định kết quả đấu thầu, không phát hiện các sai sót của tổ chuyên gia giúp việc như: xét trúng thầu đơn vị không đủ tư cách, năng lực, không đủ kinh nghiệm, có dấu hiệu thông thầu...; điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Sở KH-ĐT.

Về trách nhiệm cá nhân, đối với ông Phan Thanh Sơn (thời điểm đó là Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh), tổ trưởng tổ chuyên gia giúp việc, có dấu hiệu về tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và gây thất thoát cho ngân sách số tiền lớn…Ông Sơn còn có dấu hiệu tư lợi cá nhân khi cố tình thực hiện tuyến số 1 sai vị trí, quy mô và chủ trương do ông có 7.340 m² đất nằm trên tuyến này.

Đối với ông Nguyễn Trung Hoàng (thời điểm đó là Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông), là đại diện chủ đầu tư, nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định thiết kế, thành viên tổ chuyên gia giúp việc, đã không làm hết trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm chung các sai phạm: DA sai chủ trương, sai quy hoạch, sai trình tự thủ tục, sai trong quá trình xét thầu…

Đối với ông Trần Minh Hiếu (thời điểm đó là Phó giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông), Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định thiết kế - dự toán, thành viên tổ chuyên gia giúp việc, là người trực tiếp kết hợp với Sở Xây dựng đo đạc đưa ra các thông số điểm đầu, cuối, chiều dài tuyến..., có dấu hiệu cố ý làm trái trong việc “nắn” điểm đầu tuyến dịch chuyển 30 m trái quy mô, vị trí, chủ trương khi ông Hiếu và gia đình có hơn 1.500 m² đất nằm trên tuyến này…

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Ba, Chánh thanh tra tỉnh Trà Vinh, cho biết các cán bộ được xác định có vi phạm đều bị xử lý nhưng do trước năm 2015 chưa thành lập Phòng xử lý sau thanh tra nên hiện ông Ba chưa tìm được hồ sơ, chỉ nắm được một số. “Ông Sơn bị kỷ luật cảnh cáo, ông Hiếu chuyển đổi vị trí khác, các cán bộ khác là kiểm điểm rút kinh nghiệm. Tôi chỉ nắm được nhiêu đó, chứ hồ sơ thì không có”, ông Ba nói.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối xen lẫn bức xúc bởi tuyến đường đắc địa giờ toàn cỏ, rác, bò thả rông

NAM LONG

Đã quyết toán hơn 42 tỉ đồng

Tháng 6.2020, Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh có kết luận yêu cầu Tổ công tác của UBND tỉnh xem lại và báo cáo rõ chủ trương thực hiện DA tuyến số 1 ngay từ đầu lập DA có phải đầu tư công hay không (vì DA thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng) và giai đoạn 1 của DA đã quyết toán chưa? Có phải đã quyết toán hơn 42 tỉ đồng và quyết toán có đúng không, nếu có thì việc sử dụng ngân sách tỉnh quyết toán số tiền hơn 42 tỉ đồng có phù hợp hay không?

Về việc giao đất tái định cư, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát danh sách và xử lý theo hướng các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp, nhà nước giao đất theo hạn mức đất ở hiện hành 150 m² theo mức giá của bảng giá đất hiện hành của tỉnh. Đối với các hộ dân có từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở xuống không thuộc đối tượng được bố trí tái định cư thì nếu hộ dân không đủ điều kiện mà đã được cho hưởng chính sách tái định cư trước đây sẽ vận động nhận lại tiền cộng lãi suất hiện hữu.

Kết luận cũng yêu cầu Tổ công tác nắm lại có lợi ích nhóm không và có liên quan đến cán bộ không, nhất là các cán bộ có liên quan đến triển khai DA, báo cáo cụ thể cho thường trực Tỉnh ủy.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết ông không nắm được kết luận và chỉ đạo trên của thường trực Tỉnh ủy, do thời điểm đó ông chưa là Chủ tịch tỉnh. Ông Hẳn cũng bức xúc về thủ tục giải quyết vụ việc trên. DA đang vướng quy định, gây bức xúc cho nhân dân và nhà đầu tư. Tỉnh đã chi tạm ứng 71 tỉ đồng cho DNTN Bình An trang trải tạm thời kinh phí xây dựng, chờ tỉnh xin ý kiến T.Ư tháo gỡ khó khăn. “Tôi rất nóng ruột, nhân dân, nhà đầu tư đang rất ngóng đợi. Tôi đi qua đó cũng cảm thấy rất bức xúc. Tôi đang phát văn bản nhờ Thanh tra Chính phủ xem xét hướng dẫn và vào thanh tra DA này để có kết luận để tỉnh giải quyết dứt khoát”, ông Hẳn bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Đở (chủ DNTN Bình An), nhà đầu tư thi công đường tuyến số 1 sau khi tái lập lại, cho biết ông đã bỏ vốn hơn 100 tỉ đồng thi công tuyến đường trên. Tuy nhiên, đến nay, ông Đở chưa nhận được đất theo thỏa thuận theo hợp đồng và chưa nhận được một đồng tiền nào về DA. “Đúng là tỉnh có chuyển cho tôi 71 tỉ đồng, nhưng không phải chi trả chi phí để đấu giá lấy đất theo hợp đồng. Sau đó, do vướng quy định, không thực hiện được, nên tôi đã nhiều lần làm đơn trả lại tiền nhưng tỉnh không nhận. Tôi mong muốn tỉnh thực hiện giao đất theo hợp đồng. Chừng nào có văn bản quy định khác nêu rõ không giao đất được tôi mới nhận tiền”, ông Đở bức xúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.