“Đóng cửa” 75 lô cốt
Khoảng gần 1 tháng trở lại đây, nhiều lô cốt, rào chắn thi công trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) dọc bờ kênh Tàu Hủ, đã dần “biến mất”. Trước đây, đoạn đường chỉ dài chưa tới 2 km nhưng có đến 5 lô cốt nối đuôi nhau, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Tất cả đều thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2”. Chị Lê Khanh (Q.4), hằng ngày đi tập thể dục qua dọc bờ kênh Tàu Hủ, cho biết suốt gần 3 năm qua, tuyến đường này lúc nào cũng trong tình trạng bị bủa vây bởi lô cốt. Các rào chắn chiếm quá nửa diện tích đường, xe cộ hằng ngày lưu thông cũng rất chật vật. Đáng chú ý, trên tấm bảng thông tin dự án được gắn ngoài lô cốt, thời gian thi công đoạn rào chắn liên tục bị sửa, kéo dài từ tháng này qua năm nọ không hoàn thành. “Dạo gần đây không còn lô cốt, đường thông thoáng hẳn. Các khu vực thi công cũng đã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ hơn, không khí trong lành hơn cho người đi tập thể dục. Giá mà đường sá lúc nào cũng thông thoáng, không đào xới, rào chắn…như những ngày cận tết thì tốt, ra đường đỡ bụi bặm, kẹt xe”, chị Khanh nói.
Tương tự, đường Tôn Thất Thuyết được mệnh danh là “con đường lô cốt” hiện cũng đang rục rịch tháo dỡ. Dọc tuyến đường Khánh Hội, công trình “Sửa chữa đường Vĩnh Hội, Q.4” (từ đường Tôn Đản đến đường Khánh Hội) do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.4 làm chủ đầu tư cũng đã hoàn thành, trả lại mặt đường, vỉa hè mới cho người dân. Nhiều lô cốt, vị trí rào chắn trên các tuyến đường thuộc địa bàn Q.8, Q.6… cũng đã tạm tháo dỡ.
Loạt tuyến đường Lạc Long Quân, Tô Hiến Thành, Hoàng Văn Thụ... sau khi đào xới lên để làm dự án tái lập không cẩn thận tạo thành nhiều vết rãnh gồ ghề, nay đã được chỉnh trang sạch sẽ.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết tính đến 20.12, trên địa bàn TP.HCM có tổng số 120 vị trí rào chắn tại 44 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Theo chỉ đạo của Sở GTVT, TP sẽ cấm đào đường để thi công các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ ngày 17.1.2020 (23 tháng chạp) đến hết ngày 1.2.2020 (mùng 8 tháng giêng). Qua gần 1 tháng khảo sát, Thanh tra Sở GTVT đã lập danh sách 45 vị trí công trình được phép tiếp tục duy trì thi công trong dịp tết. Đối với 75 công trình còn lại, Sở GTVT yêu cầu tái lập mặt đường, tạm bàn giao mặt bằng trước ngày 17.1 (tức 23 âm lịch). “Có những dự án khoan ngầm, hoặc đang thi công không thể tạm thời tái lập mặt đường tạm thời nên sẽ được phép tiếp tục duy trì thi công. Số lượng các công trình này đã giảm gần một nửa so với hơn 72 vị trí được phép thi công mùa tết năm ngoái… Thanh tra Sở sẽ tăng cường theo dõi tiến độ bàn giao mặt bằng của các chủ đầu tư, yêu cầu thực hiện theo đúng kế hoạch để người dân có đường sá sạch đẹp đón tết”, ông Khánh cho hay.
Năm mới sẽ hạn chế đào đường
Không chỉ người dân, nhiều lãnh đạo TP cũng đã không ít lần bày tỏ bức xúc về tình trạng thi công tràn lan, lô cốt bủa vây đường phố. Trong một cuộc họp về các vấn đề giao thông, đô thị diễn ra hồi cuối năm 2018, một lãnh đạo UBND TP nói thẳng: “Ra khỏi cửa là thấy bụi bay mù mịt, lô cốt khắp nơi, nhìn đã thấy khó chịu rồi. Một TP hiện đại, TP du lịch mà đã ùn tắc lại còn nhếch nhác như vậy thì không thể chấp nhận được”.
Để hạn chế tình trạng đường phố thành đại công trường, mới đây, Sở GTVT đã ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường trong năm 2020. Tổng cộng có 495 tuyến đường có tên trong danh sách này. Theo đó, Sở GTVT yêu cầu các tuyến đường, đoạn đường thuộc danh mục nêu trên chỉ được phép thi công xử lý các sự cố về kỹ thuật. Khi thi công, phải chấp hành đúng các quy định đảm bảo kết cấu hạ tầng an toàn giao thông đường bộ, không làm ảnh hưởng đến lưu thông và trật tự mỹ quan đô thị.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết để tăng cường chấp hành và xử lý nghiêm theo quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác, Sở GTVT đề nghị các chủ đầu tư có biện pháp, hình thức chế tài cũng như rà soát điều chỉnh khối lượng công tác liên quan đến đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, Sở sẽ phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của UBND TP, hướng dẫn của Sở GTVT. Cụ thể, xử lý theo hình thức tăng nặng các đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm; rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công chặt chẽ theo quy định.
Bình luận (0)