Được biết, trước khi có Đường sách TP.HCM thì từ trước năm 1975, trên các khúc đường ngay ngã tư Pasteur - Lê Lợi (Q.1) đã có các ki-ốt bày ra với rất nhiều sách cũ, mới. Chưa kể, chợ sách cũ Đặng Thị Nhu đã hình thành và hoạt động sôi nổi một số năm sau ngày thống nhất đất nước, thu hút đông đảo người say mê yêu sách.
Từ năm 2000 trở đi, cứ 2 năm một lần Hội sách TP.HCM được tổ chức rất lớn vào mỗi dịp tết đến xuân về. Đường sách - Đường hoa đều được diễn ra trên trục đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (Q.1). Hoạt động thường niên này trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố và được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố cùng các nhà xuất bản.
|
|
Nhìn thấy việc nên tìm một con đường để xây dựng không gian ổn định, lâu dài cho hoạt động phát hành sách, lãnh đạo TP.HCM từng trao đổi, đặt vấn đề với các đơn vị xuất bản, phát hành sách của thành phố. Đến ngày 13.11.2014, sau bài viết Con đường sách nào cho Sài Gòn? của nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa, Hội Xuất bản Việt Nam đã vào cuộc với các buổi tọa đàm, lấy ý kiến vận động cho ý tưởng này đi vào hiện thực. Sau đó, Sở TT-TT TP.HCM phối hợp với Văn phòng phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 (17 - 21.4.2015) ngay trên đường Nguyễn Văn Bình (Q.1), xem như hoạt động thử nghiệm cho mô hình đường sách sẽ xây dựng trong tương lai. Cũng trong dịp này, ngày 18.4.2015 ngay trên đường Nguyễn Văn Bình cũng diễn ra hội thảo Đường sách Sài Gòn - TP.HCM: Tại sao không? đã thu hút nhiều ý kiến tham gia của các nhà văn, nhà báo, người làm sách... và nhiều người đã "đề cử" đường Nguyễn Văn Bình làm Đường sách TP.HCM.
|
Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: "Sau 5 năm đi vào hoạt động, Đường sách TP.HCM đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Nơi đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các nhà xuất bản, nhiều sự kiện về văn hóa đọc, văn học nghệ thuật, các cuộc giao lưu giới thiệu tác phẩm, tác giả và các cuộc giao lưu văn hóa vùng miền, trong nước và quốc tế".
Đặc biệt trong 5 năm qua, Đường sách TP.HCM còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, kiến trúc... Nhiều trường học, cơ sở giáo dục với đông đảo học sinh, sinh viên cũng chọn đến đây để học tập, vui chơi giải trí, tiếp cận với sách, tham gia các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng và hình thành thói quen đọc sách.
|
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá cao những kết quả mà Đường sách TP.HCM đã gặt hái được trong thời gian 5 năm qua và mong "Đường sách TP.HCM sẽ luôn là nơi ươm mầm, lan tỏa thói quen, tình yêu với sách, xứng đáng với niềm tự hào của những người làm công tác xuất bản, niềm tin yêu của người dân TP.HCM và cả nước về điểm đến của không gian văn hóa đọc, không gian của tri thức, văn hóa - văn minh, hiện đại- nghĩa tình".
Nhân dịp này, UBND TP.HCM đã trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc, góp phần vào sự phát triển và tạo nên thương hiệu cho Đường sách TP.HCM trong suốt 5 năm qua.
Bình luận (0)