Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trễ hẹn, ai chịu trách nhiệm?

06/06/2019 06:48 GMT+7

Ở lần thứ 2 đăng đàn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các đại biểu truy đi truy lại nhiều lần phần trách nhiệm cá nhân tại các dự án trọng điểm đội vốn, kéo dài triền miên như đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Hôm qua (5.6), lần thứ 2 đăng đàn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời khá rõ các vấn đề nóng như quản lý taxi công nghệ Grab, đăng kiểm, tai nạn giao thông (TNGT)... Tuy nhiên, ở phần trách nhiệm cá nhân tại các dự án trọng điểm đội vốn, kéo dài triền miên như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các đại biểu (ĐB) cũng phải truy đi truy lại nhiều lần.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) điểm lại dự án Cát Linh - Hà Đông từ đội vốn 8.697 tỉ đồng lên hơn 18.000 tỉ đồng, phê duyệt năm 2009, dự kiến hoạt động 2013 đến nay là 2019, người dân vẫn chưa thể sử dụng. ĐB cũng hỏi về trách nhiệm của ngành giao thông song chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Việc đội vốn của dự án, Bộ trưởng GTVT cho rằng có lý do của sự yếu kém của ban quản lý dự án, của tư vấn trong nước, nhưng nguyên nhân chính do trượt giá 49% của giai đoạn suy giảm kinh tế năm 2009. “Tất cả các cơ quan trong đó Bộ GTVT, các bộ làm chủ đầu tư các dự án và UBND các địa phương đều phải có trách nhiệm căn cứ vào kết quả kiểm toán để rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu do chủ quan mà vi phạm”, Bộ trưởng nói.
Các ĐB tiếp tục chất vấn năng lực tổng thầu Trung Quốc, tiến độ dự án này để làm bài học rút kinh nghiệm cho dự án sau. Theo Bộ trưởng GTVT, khi ký hiệp định vay, phía Trung Quốc đã chỉ định nhà tổng thầu thực hiện dự án này. “Khi thực hiện, chúng tôi thấy tổng thầu này xây dựng đường sắt rất tốt, nhưng vận hành đường sắt thiếu kinh nghiệm”, người đứng đầu ngành giao thông trả lời.
ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) chất vấn về tiến độ dự án: “Xin Bộ trưởng cho biết khi nào dự án này sẽ đưa vào sử dụng và khai thác thương mại? Dự án này đã lỡ hẹn 7, 8 lần rồi?”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết dự án đã hoàn thành 99%, 1% còn lại là còn một số hạng mục nhỏ các công tác xây lắp. Tuy nhiên, còn đang chờ tư vấn Pháp chứng minh an toàn hệ thống, chưa hẹn thời gian cụ thể hoạt động.
“Hiện nay, chúng tôi làm việc với tổng thầu, yêu cầu thay đổi người quản lý, làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin, quy trình vận hành, sửa chữa an toàn để dự án của chúng ta đảm bảo an toàn tuyệt đối vì chúng ta còn rất nhiều dự án đường sắt đô thị. Nếu dự án này có vấn đề thì những dự án khác sẽ gặp khó khăn”, ông Thể cam kết.
Liên quan dự án cao tốc Bắc - Nam, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết cử tri rất bức xúc về thông tin chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm dự án này. Ông đặt câu hỏi phải chăng do xúc tiến chưa tốt, dẫn đến không thu hút được các nguồn lực đầu tư đáng tin cậy. Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp VN và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài.
“Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém, chưa kể các hậu quả khác, nếu lại xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?”, ĐB Nghĩa chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết rất hoan nghênh ý tưởng của ĐB. Riêng về trách nhiệm, theo Bộ trưởng, hiện có đầy đủ cơ quan pháp luật, cơ chế pháp lý để xử lý, “cá nhân tổ chức nào vi phạm quy định về đấu thầu và xây dựng cơ bản thì sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.