Trước dư luận cho rằng đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (do Bộ GTVT làm chủ đầu tư) nhiều đoạn mấp mô, bằng mắt thường cũng nhìn thấy, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ông Lê Văn Dương, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, lý giải:
Việc đường sắt “uốn lượn” để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc “vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc”. Khi vào ga, đoàn tàu phải giảm tốc độ do đó thiết kế theo hướng lên dốc để giảm tốc, hạn chế phanh hãm và giảm tiêu thụ năng lượng. Ngược lại, khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc nên thiết kế xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.
Về khoảng cách giữa các ga, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, đây là khoảng cách đảm bảo theo thông lệ quốc tế (800 m - 1,2 km), không ảnh hưởng đến vận tốc của tàu, đồng thời đảm bảo cho nhu cầu người dân. Tại mỗi ga, tàu chỉ dừng lại cho hành khách lên xuống trong khoảng 30 giây. Ông Trường cũng khẳng định việc đường sắt “lượn sóng” hoàn toàn theo đúng thiết kế của dự án.
Bình luận (0)