Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

Mai Hà
Mai Hà
30/11/2024 07:44 GMT+7

Chính phủ bảo lưu phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy qua Nam Định, không kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Hôm nay 30.11, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?- Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao qua mô hình AI

ẢNH: BỘ GTVT

Theo dự thảo nghị quyết, dự án có tổng vốn 67,3 tỉ USD, tổng chiều dài 1.541 km, với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Toàn tuyến đi qua 20 tỉnh, thành phố; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

Chưa xác định thời điểm khởi công

Đáng chú ý, theo Chính phủ, do tính chất phức tạp và dự án lần đầu được triển khai tại Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào tư vấn nước ngoài, nên tiến độ mới là dự kiến. Do đó, Chính phủ chưa xác định thời điểm khởi công cụ thể dự án trong nghị quyết. Tương tự mốc thời gian hoàn thành cũng là dự kiến "cơ bản hoàn thành" vào năm 2035.

Có ý kiến đề nghị bổ sung chiều dài tuyến khoảng 2.110 km từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Song theo Chính phủ, quy hoạch mạng lưới đường sắt 2021 - 2030 đã xác định các tuyến đường sắt mới trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, chiều dài 1.871 km, gồm 3 tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Cần Thơ.

Các tuyến này có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật và loại hình cũng khác nhau. Trong đó, tuyến Lạng Sơn - Hà Nội là loại đường sắt thường, đang lập quy hoạch chi tiết để huy động nguồn vốn đầu tư.

Tuyến Hà Nội - TP.HCM là đường sắt tốc độ cao, tuyến TP.HCM - Cần Thơ là đường sắt thường, dự kiến đầu tư trước 2030. Do đó, Chính phủ giữ nguyên phạm vi dự án từ Hà Nội đến TP.HCM.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giữ nguyên "đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết".

Trường hợp xuất hiện nhu cầu hàng nhẹ, thương mại điện tử có giá trị cao sẽ được xem xét khai thác. Trung Quốc hiện đã khai thác tàu hàng cao tốc với vận tốc 350 km/giờ, tương đương tàu khách, chủ yếu vận tải hàng hóa nhẹ.

Cần hơn 33 năm để hoàn vốn

Số năm để dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn vốn là 33,6 năm, không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng hoặc hoàn vốn cho phương tiện, thiết bị vận hành khai thác.

Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết không thể tính toán nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án.

Trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện. Nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì từ nguồn vốn sự nghiệp tương tự với đường sắt quốc gia hiện nay. Dự kiến năm 2037 cần khoảng 238 triệu USD, năm 2038 cần 213 triệu USD, năm 2039 cần 187 triệu USD và năm 2040 là 140 triệu USD.

Số năm hoàn vốn của dự án là 33,6 năm, không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng hoặc hoàn vốn cho phương tiện, thiết bị vận hành khai thác.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?- Ảnh 2.

Đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ được nâng cấp để chở hàng

ẢNH: NGỌC NĂM

Cũng theo Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, chưa có tiền lệ và dự kiến triển khai trong khoảng 12 năm, vượt quá 2 kỳ trung hạn theo quy định của luật Đầu tư công.

Báo cáo nghiên cứu khả thi đã xác định dự kiến sử dụng ngân sách nhà nước bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035. Bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023 và 1% GDP năm 2027 (dự kiến khởi công). Quá trình triển khai cũng huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Chính phủ cũng đề xuất chính sách đặc thù cho phép Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm trong trường hợp ngân sách nhà nước bố trí không đáp ứng tiến độ. Ngoài ra, Thủ tướng được quyết huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, giảm chi thường xuyên.

Theo ước tính của tư vấn, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 33,5 tỉ USD. Bộ GTVT cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp trong nước như Tổng cục Công nghiệp - Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thành Công…

Bên cạnh đó, để giảm rủi ro trong quá trình chuyển giao công nghệ, theo Bộ GTVT, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ phù hợp với năng lực và trình độ của Việt Nam, song song các chính sách đào tạo nguồn nhân lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.