Đường sắt: Việc ít, người đông và 'làn sóng' bỏ việc

Mai Hà
Mai Hà
24/02/2018 09:24 GMT+7

Với mức lương chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhiều công nhân đường sắt đã phải bỏ việc. Sau tái cơ cấu, ngành đường sắt vẫn đang chật vật với bài toán doanh thu thấp, bộ máy cồng kềnh.

Chị N.L, nhân viên đường ngang của Công ty CP đường sắt Yên Lào (Yên Bái), chia sẻ do bộ phận chị làm đang thừa nhân lực, nên công sản phẩm chia đều theo đầu người. “Tính theo công, tôi chỉ được nhận hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng theo bảng lương thứ hai của công ty thì lương là 4 - 5,5 triệu đồng, công ty lý giải là do bảng lương này chưa thu các quỹ. Tiền thưởng tết cũng chỉ được 4,5 triệu đồng nhưng thực chất là tiền lương giữ lại hằng tháng của công nhân viên”, chị N.L cho biết. Với đồng lương, thưởng như hiện nay, công nhân đường sắt đang chật vật tiết kiệm để nuôi con, chi phí cho gia đình.
Tại đội gác chắn Giáp Bát (Công ty CP đường sắt Hà Hải), đơn vị quản lý 18 điểm giao cắt đường ngang qua đường sắt, có 110 cán bộ, công nhân viên, trong đó tới 70% là nữ. Hiện mức lương bình quân của một công nhân gác chắn khoảng 4,6 triệu đồng/tháng với điều kiện làm đủ 21 ca (trực liên tục 12 tiếng được nghỉ 24 tiếng) trong tháng, sau khi trừ tiền BHYT, BHXH… còn khoảng 4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng gác chắn Giáp Bát, cho biết đặc thù công việc công nhân gác chắn vất vả, trong khi thu nhập thấp. Khoảng 40% công nhân tại đây là người ngoại tỉnh phải thuê nhà, nên nhiều người chỉ đủ trang trải cuộc sống và chi tiêu rất dè xẻn may ra mới gửi được chút tiền về cho gia đình. Đây là một trong những lý do năm 2017 đã có 10 công nhân gác chắn chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó đa phần là người trẻ mới gắn bó được 2 - 7 năm.
40% lao động dôi dư sau sáp nhập
Theo Tổng công ty đường sắt VN (VNR), hiện thu nhập bình quân mỗi tháng của công nhân khối vận tải và khối kết cấu hạ tầng khoảng 6,6 triệu đồng. Trong đó, lương bình quân của công nhân gác đường ngang nếu tính theo chế độ quy định là 7,4 triệu đồng nhưng tỷ lệ lương được duyệt thực lĩnh chỉ khoảng 5,2 triệu đồng (đạt 70%), công nhân tuần đường là 6 triệu đồng và công nhân duy tu đường sắt là 6,7 triệu đồng trong khi 2 đối tượng này được hưởng lương theo chế độ quy định lên tới 8,3 triệu đồng.
Hiện tổng số lao động của toàn ngành đường sắt là 26.292 lao động, trong đó Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn khoảng 2.500 lao động, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội là 4.500 lao động. Đáng chú ý, theo đánh giá sau cổ phần hóa, 2 công ty con chủ lực này của ngành đường sắt, đặc biệt là Công ty vận tải đường sắt Hà Nội hoạt động chưa hiệu quả, sụt giảm cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, sự sa sút này còn do đường sắt đang ngày một yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với đường bộ và hàng không.
Trong đề án trình Bộ GTVT giữa năm 2017, VNR đã đưa ra phương án sáp nhập 2 công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, nhằm tránh tình trạng cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau, làm suy giảm nguồn lực. Việc sáp nhập sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, mục tiêu chính là tách bạch vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao năng lực và năng suất lao động. Theo tính toán, sau khi sáp nhập sẽ dôi dư khoảng 40% lao động của cả 2 công ty.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, mục tiêu tái cơ cấu không phải để cắt giảm lao động, mà trước tiên sắp xếp lại bộ máy quản lý. Với người lao động, để giải quyết bài toán dôi dư, ngành đường sắt đang rà soát lại toàn bộ các dịch vụ logistics cũng như các chuỗi dịch vụ để có giải pháp tăng số lượng công việc.
Bài toán khó
Mới đây, VNR đã kiến nghị Bộ GTVT đề án tăng lương cho ngành, trong đó có việc xem xét ưu tiên tính đúng, tính đủ các quy định của nhà nước về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi và chế độ tiền lương với lực lượng lao động gác chắn đường ngang, tuần đường. Cụ thể, công nhân gác chắn đường ngang sẽ có mức lương khoảng 7,95 triệu đồng/người. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc tăng lương chỉ đạt được khi doanh thu, lợi nhuận tăng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đề xuất tăng lương là phù hợp, nhưng việc điều chỉnh đơn giá tiền lương không đơn giản, phải có điều tra, khảo sát đánh giá định mức tiền lương từng vị trí.
“Đường sắt có đặc thù là không thể hoàn toàn dùng máy móc vì hạ tầng đường đơn, nên vẫn cần sức lao động thủ công. Nhưng đường sắt không thể dựa mãi vào những điều kiện này để nói cần nhiều nhân công. Với những công việc đơn giản như nhân viên gác chắn đang tính đến thay thế bằng các gác chắn tự động, các công việc thủ công khác cũng cần tính toán tương tự”, ông Đông nói.
Theo thống kê của VNR, 9 tháng đầu năm 2017, đã có 508 người lao động trong khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt xin thôi việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.