Máu và nước mắt của công nhân đường sắt

24/02/2017 09:35 GMT+7

Cái chết của anh Phạm Hồng Phượng, nhân viên đang làm nhiệm vụ trên chuyến tàu Bắc - Nam ngày 20.2 sau vụ va chạm với xe tải cố tình băng ngang đường sắt khiến nhiều người đau xót.

Tôi nhìn tấm ảnh anh còn rất trẻ và những vòng hoa bạn bè đến đưa tiễn anh đã không thể cầm lòng.
Những ngày trước Tết Nguyên đán 2017, tôi đi phỏng vấn nhiều lái tàu và các công nhân gác chắn đường ngang ở Hà Nội để viết bài về những người hi sinh cái tết đoàn viên của mình, chở hành khách về đoàn tụ khắp chiều dài đất nước.
Đến gặp mọi người, tôi được biết một thực tế đau buồn: Nhiều công nhân gác chắn tại các đường ngang thường xuyên bị chửi bới, đe dọa, thậm chí là hành hung. Nguyên nhân là: nhiều người muốn băng qua đường sắt, nhưng đã vào giờ đóng chắn, công nhân phải đóng các cánh cửa, đảm bảo an toàn nhất cho người và phương tiện khi có tàu hỏa chạy qua.

tin liên quan

'Anh ơi, về với mẹ con em!'
Chị Bích Hồng, vợ của anh Phạm Hồng Phượng, nạn nhân tử nạn trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khóc khàn cả tiếng, thảng thốt gọi chồng: "Anh ơi, về với mẹ con em!".
Ở những nơi giao cắt với đường sắt có rào chắn mà người dân còn vô ý thức và không biết quý mạng sống của chính mình như vậy, thì ở những đường ngang không rào chắn, người ta sẽ bất chấp như thế nào để nhanh được một vài giây?
Tôi còn nhớ tiếng thở dài não nề của một anh công nhân tên Tạ Văn Phong, làm ở Đội chắn Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Anh Phong bị người đi đường chửi như cơm bữa, có người nhổ nước bọt trước mặt anh. Có trường hợp, cửa chắn đã đóng, người ta còn cố tình phi xe máy qua, chỉ chút nữa chiếc xe máy lao vào anh, nếu anh không tránh kịp.
Hay như chị công nhân tên Tâm, 29 tuổi, làm ở Đội chắn Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, thường xuyên bị những thanh niên xăm trổ, đi ăn nhậu đêm khuya về chửi và dọa đánh chị nếu chị không mở rào chắn để họ phi xe máy qua. Hai vợ chồng chị Tâm đều là công nhân gác chắn đường ngang, chị Tâm có con gái nhỏ nên càng lo lắng sẽ bị các đối tượng lưu manh trả thù.
Vụ tai nạn ngày 20.2 để lại cho ngành đường sắt nhiều thiệt hại nặng nề Đình Toàn
Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng đội gác chắn Giáp Bát, người có 30 năm làm việc trong ngành đường sắt chia sẻ, ông không nhớ nổi những lần mình bị người điều khiển xe máy, ô tô thóa mạ vì “tàu chưa đến, sao mày chặn đường, không cho bố mày đi?”. Cách đây mấy tháng, nhân viên của ông Phương bị lái và phụ xe tải phang các ống tuýp sắt vào đầu khiến máu chảy đầm đìa, anh công nhân gác chắn phải nhập viện cấp cứu. Hay như mới đây, cũng chính tại trạm chắn Giáp Bát này, có cả lái xe tải dọa sẽ đặt cả mìn, thuốc nổ để uy hiếp các công nhân gác chắn.
Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc công ty cổ phần đường sắt Hà Hải, Tổng công ty đường sắt VN, ông Vượng cho hay, trong năm 2016, có ít nhất 6 vụ công nhân gác chắn đường ngang công ty ông bị hành hung, gây thương tích trên người, phải nhập viện; những vụ công nhân bị lăng mạ, chửi bới không thể thống kê vì quá nhiều.
Ông Vượng cho biết, để đối mặt với thực trạng này, từ lâu công ty đã thực hiện các biện pháp: Niêm yết số khẩn cấp 113, số điện thoại công an khu vực tại các trạm chắn để kịp thời liên hệ; Đề nghị công nhân bình tĩnh giải thích cho người tham gia giao thông nếu họ chưa hiểu vì sao phải đóng chắn; Tuyệt đối không được đôi co, tranh cãi, đánh nhau với người tham gia giao thông.
Ngoài ra, các anh em công nhân tự bảo vệ mình bằng cách chụp hình, quay clip biển số xe của người có hành vi lăng mạ, đe dọa, hành hung vi phạm để kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng.
Lương của nhân viên ngành đường sắt không cao như suy nghĩ của nhiều người. Tôi biết điều này, vì đã tận mắt chứng kiến căn nhà trọ hơn 10 mét vuông và bữa cơm đạm bạc của hai vợ chồng người gác chắn đường ngang khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lương thấp, nhưng những vất vả, gian truân trong nghề thì quá nhiều. Nước mắt, và cả máu của bao người cũng đã đổ cho những chuyến tàu bình an chở hành khách về trăm ngả.
Nếu chiếc xe tải hôm 20.2 không cố tình băng qua đường sắt khi con tàu đã tới rất gần và kéo còi rất dài, nếu mỗi người dân có ý thức quan sát khi lưu thông qua các điểm giao cắt với đường sắt cả có rào chắn và không có rào chắn, nếu chúng ta tôn trọng mạng sống của chính mình trước khi nghĩ về sinh mạng của người khác... có lẽ, những cái chết oan uổng chẳng bao giờ xảy ra trên mỗi đường ngang.
Tôi còn nhớ tiếng thở dài chua chát của một nữ công nhân gác chắn: “Người đời muốn nhanh 1 giây, chúng ta lại lo họ chậm cả đời”. Mọi thiết bị cảnh báo trên các đường ngang, mọi cánh cửa ngăn không cho người dân đi qua đường sắt khi có tàu chạy, tất cả chỉ là vô nghĩa nếu ý thức con người mãi là con số 0 tròn trĩnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.