Đường về của cô dâu Việt bị bạo hành

04/12/2016 07:08 GMT+7

Sau hơn một tháng kêu cứu vì bị chồng bạo hành, dọa giết, một cô dâu Việt ở Trung Quốc đã được giải cứu, trở về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Trước đó, ngày 23.10, Báo Thanh Niên đã có bài về “bi kịch” lấy chồng ngoại và những lời cầu cứu từ bên kia biên giới của chị T. (23 tuổi, ngụ H.Thới Lai, TP.Cần Thơ), lấy chồng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Trở về trong nước mắt
Ngày 3.12, trao đổi với chúng tôi, bà Trăng (49 tuổi, mẹ của T.) mừng rỡ cho biết gia đình bà đã thở phào nhẹ nhõm sau hơn 1 tháng mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho cô con gái lấy chồng Trung Quốc. Bà Trăng kể, T. trở về rất bất ngờ, trong sự ngỡ ngàng của vợ chồng bà cũng như bà con lối xóm. “Vợ chồng tôi không tin vào mắt mình khi thấy con đột nhiên trở về. Thương con, mừng rơn, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”, bà Trăng xúc động nói.
Còn với T., quãng thời gian sống bên nhà chồng khép lại như một cơn ác mộng của cuộc đời. Bi kịch bắt đầu từ khoảng tháng 3.2016, qua mai mối, T. lấy một người Trung Quốc tên là Yepei (28 tuổi). Mặc dù biết Yepei bị câm nhưng T. và gia đình đều chấp nhận vì “thấy Yepei hiền”. Bên nhà chồng trao sính lễ 50 triệu đồng. Giáp mặt hai bên được 10 ngày, một đám cưới nhỏ được tổ chức tại nhà T. rồi cô theo chồng sang Trung Quốc.
“Thấy cha mẹ nghèo lại đang thiếu nợ nên tôi nghĩ lấy chồng nước ngoài để lấy ít tiền giúp cha mẹ nhưng không ngờ lại rơi vào bi kịch. Chồng tôi suốt ngày chỉ lo chơi games rồi gặp mặt là hầm hừ, lao vào đánh tôi bất cứ lúc nào. Gia đình chồng thấy vậy cũng im re”, T. nói. Khoảng 2 tháng sau ngày cưới, T. gọi điện thoại về khóc lóc và kể cho cha mẹ nghe về chồng mình. Ông Liêu Xương, 50 tuổi, cha T. nhớ lại: “Từ hôm nó bảo chồng nó bị khùng, hay lên cơn, đánh đập, thậm chí còn dọa giết, vợ chồng tôi sốt ruột, không yên lúc nào”.
May mắn khi qua wechat, T. liên lạc được một vài người Việt. Trong số đó, một người tên Lê Minh Công, đang làm việc ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã viết lời kêu cứu giúp cô trên Facebook. Nhờ đó báo chí vào cuộc và như bao câu chuyện cô dâu Việt khác bị bạo hành nơi xứ người, nhiều người nặng lời trách gia đình T. nhưng cũng không ít người thương cảm cho gái trẻ nông nổi, mong T. thoát nạn trở về.
Liều mình để thoát
Hơn nửa năm ở Trung Quốc, những trận đòn của chồng không chỉ khiến T. đau đớn về thể xác mà còn khủng hoảng tinh thần. T. kể: “Tâm trạng tôi lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, nói chuyện thì không ai hiểu. Người nhà chồng nói tôi cũng không biết gì, chỉ biết nhìn sắc mặt của người ta để sống”.
T. nói tiếp: “Tôi từng nghĩ mình qua bên đó, chồng là chỗ dựa tinh thần, an ủi cho mình những lúc nhớ nhà hay gặp chuyện không vui, đâu ngờ ảnh lại đánh đập mình như vậy. Tôi sợ mà không biết bày tỏ cùng ai. Ăn cơm mà chan nước mắt. Sợ hãi vì muốn rời đi mà không thể, ở cũng không xong”.
Mỗi ngày qua đi, hành động của người chồng Trung Quốc càng đáng sợ. Không thể chịu đựng, cô tìm mọi cách kêu cứu và liều mình bỏ trốn khỏi nhà chồng tìm sự giúp đỡ.
Cuộc chạy trốn của T. bắt đầu vào sáng sớm một ngày cuối tháng 10, cô đã lén rời khỏi nhà chồng và cố chạy thật nhanh càng xa càng tốt. Sau đó, từ Chiết Giang, T. tìm cách bắt xe đò đến TP.Thượng Hải. Thấy hoàn cảnh T. tội nghiệp, nhiều người Việt ở Thượng Hải đã giúp đỡ cô đi tiếp về tỉnh Quảng Châu. Từ Quảng Châu, T. lại tiếp tục kiếm xe đò để đi xuống TX.Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới với VN. Chuỗi ngày khốn khổ chỉ qua dần khi T. đặt chân đến cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. “Đó là 20 ngày cùng cực nhất cuộc đời tôi. Tôi đã gần như ở suốt trên xe đò. Sự lo lắng, sợ hãi khiến tôi không ăn, ngủ được. Tôi không rõ ngày, tháng, trong đầu chỉ cầu nguyện sớm về đến nhà. Cho đến ngày tôi đặt chân về đến VN nỗi sợ hãi mới vơi bớt phần nào”, T. kể. “Một hành trình đầy khó khăn khi tôi không thể hiểu người ta nói gì, phải diễn tả bằng tay...”, T. nói.
Theo chia sẻ của T., cô cảm thấy may mắn hơn so với nhiều trường hợp cô dâu Việt khác cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. “Bên đó, không phải chỉ một cảnh đời giống như tôi mà rất nhiều cô dâu cũng đang phải sống cực khổ hơn nữa. Chỉ có điều họ không dám liều để tìm lối thoát. Bây giờ, tôi chỉ muốn chia sẻ là những ai có ý định lấy chồng nước ngoài nên suy nghĩ kỹ lại. Ở xứ người có những chuyện không thể biết trước được, khó sống lắm”, T. nói.
Trong căn nhà vách tôn cũ kỹ, lụp xụp, nằm sâu trong con đường liên ấp, bà Trăng cho biết hiện cuộc sống gia đình vẫn bộn bề thiếu thốn vì không có đất sản xuất, phải thuê hai công (2.000 m2) đất để làm lúa. Ngoài thời gian làm ruộng, khi nhàn rỗi, ông bà đi làm thuê mỗi ngày được 200.000 đồng để mua thức ăn. “Cuộc sống khổ lắm nhưng tôi sẽ không bao giờ để con đi nữa”, bà Trăng tỏ ra ân hận.
Chiều 3.12, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Cần Thơ, cho biết ngay sau khi biết được vụ việc hồi tháng 10, Hội đã rà soát để nắm thông tin và được biết cô dâu đang được giải cứu. “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo Hội Phụ nữ H.Thới Lai đến gia đình T. tìm hiểu, động viên. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ T. học nghề, giới thiệu việc làm nếu cô ấy muốn”, bà Hồng nói. Cũng theo bà Hồng, thời gian qua việc tuyên truyền về lấy chồng nước ngoài luôn vấp phải nhiều khó khăn. “Chị em dù nghe tuyên truyền nhưng vẫn rất dễ bị lôi kéo bởi mai mối và những người lấy chồng nước ngoài trước đó trở về. Hy vọng, qua những trường hợp như T., ít nhiều sẽ cảnh tỉnh phụ nữ có ý định liều mình lấy chồng nước ngoài, bất chấp những trở ngại về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ”, bà Hồng nói.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện mỗi năm tại TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang có gần 2.000 trường hợp cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài. Hơn 1/3 số đó rơi vào bi kịch, phải tìm đường về nước. Trước đó, không ít trường hợp cô dâu Việt thiệt mạng nơi xứ người vì bạo hành, tự vẫn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.