Dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

25/12/2013 03:00 GMT+7

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm qua, 24.12.

Dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị diễn ra trong 2 ngày với nhiều quyết sách quan trọng được đưa ra - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2014. Ngay sau khi nghị quyết ban hành, từng bộ, ngành cần nhanh chóng cụ thể hóa bằng các chính sách để triển khai một cách toàn bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu… để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%.

Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh hơn nữa ba đột phá kinh tế, tái cơ cấu tập trung cải cách DNNN. “Dứt khoát phải tái cơ cấu DNNN, trong đó quan trọng nhất là bố trí cán bộ làm chủ tịch, tổng giám đốc. Nếu không tốt thì không tái cơ cấu được gì hết, đây là nhân tố quyết định. Cổ phần nào tại DNNN không cần nắm giữ phải bán hết đi, nhưng không phải bán tràn lan, sơ hở làm mất mát tài sản. Trọng tâm tái cơ cấu là cổ phần hóa, cái nào thua lỗ mà không khắc phục được cho giải thể, phá sản”, Thủ tướng yêu cầu.

"Nhiều doanh nghiệp gọi điện xin giữ tỷ giá"

 

Đề nghị dừng hẳn dự án cảng Kê Gà

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đề xuất nên dừng hẳn dự án xây dựng cảng  Kê Gà (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, do Vinacomin làm chủ đầu tư). “Chính phủ đã giao việc này cho các bộ, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ kết quả thế nào. Càng kéo dài thời gian thì càng khó khăn cho tỉnh”, ông Lê Tiến Phương nói.

Quế Hà

Báo cáo trước Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu khó khăn trong điều hành tỷ giá khi có doanh nghiệp (DN) xuất khẩu như Lọc hóa dầu Bình Sơn đòi phá giá tiền đồng để có lãi hơn. Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác lại muốn giữ tỷ giá, vì sợ lỗ. “Vietnam Airlines có gọi điện cho tôi bảo làm thế nào đừng điều chỉnh tỷ giá đến 24 giờ ngày 31.12.2013. Sau đó thì muốn thế nào cũng được, vì nếu không sẽ chuyển từ lãi thành lỗ hết”, ông Bình nói. Trước những “đòi hỏi” này ông Bình khẳng định, từ nay đến cuối năm không điều chỉnh. Trong năm 2014, tiếp tục định hướng điều hành linh hoạt nhưng rõ ràng mục tiêu, tỷ giá sẽ tăng không quá 2%.

Chấm dứt đầu tư BT

Trước đó, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng dẫn lại khẩu hiệu thời bao cấp “Quyết tâm hoàn thành kế hoạch từ tháng đầu” và đề nghị ngay từ quý 1/2014 tất cả phải vào cuộc triển khai quyết liệt, cụ thể hóa bằng chính sách đi ngay vào cuộc sống mới tháo gỡ được khó khăn. Bộ trưởng Thăng cho rằng, chính sách tín dụng không nên để tình trạng “no dồn đói góp” mà phải dàn đều. Nếu ngành tài chính khó thì ngân hàng cung tiền và ngược lại, ngân hàng khó thì Bộ Tài chính giải ngân. Làm sao đảm bảo lượng tiền lưu thông đều đặn.

Trước tình trạng nhiều dự án giao thông do ngân sách T.Ư hỗ trợ theo mục tiêu, địa phương phê duyệt, T.Ư chi tiền khiến ngân sách không “kham” nổi, Thủ tướng yêu cầu phải khắc phục, chấn chỉnh ngay. “Các địa phương yêu cầu dự án phải to, phải nhanh nhưng T.Ư thì không có tiền, rồi lại phát sinh nợ. Bộ phải cùng địa phương thống nhất thẩm định, phê duyệt dự án quy mô cho phù hợp”, Thủ tướng nhắc nhở.

Bộ trưởng Thăng cũng báo cáo, vừa qua rà soát lại một loạt dự án BT (là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT), phân kỳ lại đầu tư, điều chỉnh thiết kế, quy mô đã giảm được 35.000 tỉ đồng.

Thủ tướng tiếp tục nhắc, trong bối cảnh khó khăn, nguồn vốn phải co kéo các nơi khác, nhất định chấm dứt tình trạng DN chạy vốn, loại bỏ hình thức đầu tư BT.

Dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Đi nước ngoài nhiều, lãng phí quá !

Trước tình trạng ngân sách khó khăn, nhưng hoạt động giao lưu, tham quan, công tác diễn ra quá nhiều, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã thẳng thắn nêu ý kiến với Thủ tướng việc này quá lãng phí. “Chỉ riêng năm 2013 chúng tôi tiếp 70 đoàn. Đảng có, Chính phủ có, các bộ ngành có. Trong số này có nhiều đoàn vào thanh tra, kiểm toán trùng lặp, có đoàn vào tới 3 tháng”, ông Thạch phản ánh và kiến nghị: “Chính phủ cần thống nhất với Đảng, Quốc hội về việc tổ chức các đoàn công tác cho đỡ trùng lặp. Vì thực tế mỗi đoàn lên, xuống hàng mấy tháng trời, tiền vé máy bay đi ra đi vào, địa phương đôi lúc phải lo tiền ăn tiền ở, như vậy quá lãng phí".

Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo: Đoàn đi nước ngoài giảm 30% so với năm ngoái nhưng thống kê vẫn còn 2.300 đoàn, trung bình 6-7 đoàn/ngày. Đáng nói nhiều đoàn đi chưa hiệu quả, trùng lặp, đoàn trước vừa đi đoàn sau đã đến, không cần thiết, gây lãng phí.

Thủ tướng chỉ đạo: “Đi nước ngoài còn nhiều quá, tham quan, giao lưu, tiếp khách chi phí lớn quá. Vừa rồi tôi mới dự họp có nước họ nói thấy đoàn Việt Nam đến là họ sợ. Đề nghị đồng chí Minh năm tới rà soát lại đề xuất cách kiểm soát, cần thiết thì báo cáo Ban Bí thư”.

Anh Vũ

>> Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chỉ là chuyển giao 'mầm bệnh' ?
>> Cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.