Ế khách quốc tế, giám đốc công ty du lịch... ở nhà đón con

01/03/2023 08:53 GMT+7

Đại dịch kết thúc, các công ty du lịch chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) lại đối diện với khủng hoảng khác khi nguồn khách thiếu vắng.

Đóng cửa công ty, rút gọn văn phòng

Ông Trần Trung Đức, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM chuyên đón khách Tây Âu vào Việt Nam kể : "Khi xảy ra Covid-19, tôi đóng cửa công ty. Năm ngoái, ngay sau khi hết dịch, tôi lên kế hoạch mở cửa trở lại nhưng nhân viên tứ tán, chuyển nghề khác nên không tìm được người. Trong quãng thời gian đó, tôi ở nhà làm online, kết nối đối tác cũ và chuẩn bị thông tin thị trường nhưng lượng khách quá vắng, lại gặp khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu, kéo theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên quyết định dừng hẳn việc kinh doanh, chờ đợi thời điểm hợp lý", ông Đức nói. 

Ông Đức hiện ở nhà đưa đón hai con đi học, thay vì lúc trước thuê tài xế. Đó là lựa chọn đúng đắn bởi nếu mở cửa trở lại từ năm ngoái thì năm nay những công ty tầm trung như của ông Đức cũng không tìm đâu ra được du khách quốc tế để phục vụ. Không có khách sẽ lại tốn kém chi phí hoạt động, tiền lương, tiền thuê mặt bằng...

Ế khách quốc tế, giám đốc công ty du lịch... thất nghiệp - Ảnh 1.

Khách quốc tế tham quan chợ Bến Thành. Lượng khách đến Việt Nam còn thấp do những rào cản về thị thực và tiếp thị điểm đến kém hiệu quả

NGỌC DƯƠNG

Không đóng cửa công ty như ông Đức, nhưng ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, đưa phần lớn công việc về Cần Thơ, rút gọn tối đa văn phòng tại TP.HCM, chỉ để lại ít người nhằm giải quyết một số công việc như thuế... "Những năm trước đại dịch, chúng tôi chủ yếu làm khách quốc tế, tập trung vào thị trường châu Âu và Mỹ nhưng sau dịch, nguồn khách mất trắng hoàn toàn", ông Huê nói.

Về Cần Thơ, công ty ông Huê bán tour nội địa và đưa khách đi nước ngoài, thỉnh thoảng có khách quốc tế nhưng không đáng kể. Ông Huê dành toàn thời gian tư vấn phát triển điểm đến cho các tỉnh thành ở ĐBSCL hoặc các khu, điểm du lịch và chưa biết khi nào sẽ quay trở lại thị trường TP.HCM.

Diamond Plaza vắng vẻ, nhân viên nhiều hơn khách hàng

Năm ngoái, Việt Nam công bố đón hơn 3,6 triệu khách quốc tế nhưng theo các doanh nghiệp du lịch tính toán, chỉ khoảng nửa trong số này là du khách thuần túy. Khách vào làm ăn, kinh doanh, buôn bán nên những doanh nghiệp làm dịch vụ inbound như công ty ông Huê, ông Đức không có cơ hội phục vụ.

"Trong thời gian tới, tình hình cũng khó có đột phá. Nhóm thị trường khách gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chưa có triển vọng tăng trưởng; chờ khách Trung Quốc thì bị vướng các quy định. Trong khi những thị trường xa như châu Âu, Mỹ, Úc... vẫn ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và những vấn đề liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Khách Ấn Độ được cho là tiềm năng nhưng đến nay không thể thay thế được khách Trung Quốc do những khác biệt về văn hóa, ẩm thực. Công ty tôi từng làm khách Ấn Độ, trong chuyến tham quan đến Tiền Giang phải chuẩn bị đồ ăn mang theo từ TP.HCM, vì đến đó không có quán ăn nào phù hợp", ông Huê kể và cho rằng, năm nay và cả năm sau, những công ty làm thị trường inbound đều có cái nhìn thận trọng, không dám mở rộng.

2 tháng khách quốc tế Việt Nam chưa bằng 1 tháng của Thái Lan

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2 Việt Nam đón hơn 933.000 lượt khách quốc tế, tăng 7,1% so tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, gần bằng 60% so với cùng kỳ 2019.

Trong khi đó, chỉ tháng 1.2023, Thái Lan đón khoảng 2,1 triệu khách quốc tế. Nước này dự đoán đón khoảng 11 triệu khách Trung Quốc trong năm nay, phá vỡ kỷ lục năm 2019, và đặt mục tiêu 30 triệu khách quốc tế cả năm 2023.

Cánh cửa nào cho khách quốc tế vào Việt Nam?

Ông Đức cũng cho rằng, việc trở lại với kinh doanh inbound năm nay tiếp tục dang dở khi các đối tác ở châu Âu của công ty cũ than rằng không thể tìm được vé máy bay đến Việt Nam. Trước đại dịch có gần 20 hãng bay từ châu Âu đến Việt Nam nhưng giờ chỉ còn vài hãng nên khách không có nhiều chọn lựa. Trong khi đó, du lịch Thái Lan đã hồi phục, có nhiều chuyến bay hơn nên khách ngày càng đông, mục tiêu đón tới 30 triệu năm 2023. Khó khăn của chúng ta lại là cơ hội của người khác. Câu chuyện trở lại với vòng lẩn quẩn, khi anh có nhiều khách, các hãng mới mở đường bay, còn nếu Việt Nam quá vắng khách, các hãng sẽ chần chừ", ông Đức nói thêm.

Ế khách quốc tế, giám đốc công ty du lịch... thất nghiệp - Ảnh 2.

Khách nước ngoài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1

NHẬT THỊNH

Ông Huê cũng cho rằng, vé máy bay quốc tế đường xa hiện nay đến Việt Nam đắt hơn 30 - 40% so với 2019. Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam cũng kém trong các chương trình quảng bá điểm đến. "Chẳng hạn, đối với thị trường khách gần là Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore..., chúng ta thua trong cuộc chiến tiếp thị quảng bá. Singapore, Thái Lan đặt văn phòng đại diện du lịch tại Việt Nam và thu hút khách Việt xuất ngoại. Vì thế, khách Việt ùn ùn qua Thái, còn người Thái đến Việt Nam chưa được phân nửa. Các điểm đến lớn khác như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng luôn coi thị trường du khách Việt Nam quan trọng và đã đặt văn phòng du lịch tại Hà Nội, TP.HCM. Trong khi cho đến nay, du lịch Việt Nam chưa có bất kỳ văn phòng nào ở nước ngoài", ông Huê dẫn chứng.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure (đơn vị khai thác tour Sơn Đoòng) thì lại cho rằng, vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay là thị thực. Ngày trước, các công ty du lịch inbound lo luôn thủ tục xin visa cho du khách nhưng sau đại dịch, xu hướng khách đoàn đi tour đường dài giảm trong khi khách tự túc đi tour ngắn nối các điểm đến với nhau chiếm phần lớn. Với khách tự túc, họ phải lo visa. Vì vậy, nếu gặp khó khăn trong xin visa, họ sẽ thay đổi hành trình.

Theo ông Á, đến tháng 5 Việt Nam sẽ hết khách quốc tế Âu, Mỹ và họ trở lại từ tháng 10. Nếu thị thực vẫn không được "mở cửa" và chiến lược tiếp thị điểm đến vẫn không có lối ra thì chắc chắn mục tiêu 8 triệu khách năm 2023 là xa vời.

Bitexco vắng vẻ bất ngờ, nhiều gian hàng cửa đóng then cài

"Ngày trước, các công ty du lịch inbound lo luôn thủ tục xin visa cho du khách nhưng sau đại dịch, xu hướng khách đoàn đi tour đường dài giảm trong khi khách tự túc đi tour ngắn nối các điểm đến với nhau chiếm phần lớn. Với khách tự túc, họ phải lo visa. Vì vậy, nếu gặp khó khăn trong xin visa, họ sẽ thay đổi hành trình".

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.