Nói nôm na, Early Access (gọi nôm na là "chơi game sớm") gần như là những bản chơi thử (demo) nhưng ở cấp độ cao hơn. Đây là một lợi ích đến từ hai chiều, game thủ có thể chơi sớm những tựa game mình yêu thích và nhận được nhiều ưu đãi nếu mua lúc Early Access thay vì chờ đến khi trò chơi ra mắt chính thức. Chưa kể đến việc những phản hồi và góp ý của họ sẽ được nhà phát triển lắng nghe, chỉnh sửa dần dần, chứ không phải chờ dài cổ vào những bản vá nếu “gạo lỡ nấu thành cơm” như trước đây. Còn về phía các hãng làm game, dĩ nhiên thứ mà họ thu về chính là những góp ý quý giá của cộng đồng game, cho họ cơ hội chỉnh sửa và hoàn thiện tựa game của mình trước khi chính thức ra mắt để phù hợp với nhu cầu của người dùng nhất. Hiển nhiên việc chỉnh sửa này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với khi tựa game đã ra mắt, cũng giống như sắp xếp lại một thùng đồ trước khi đã đóng gói kỹ lưỡng sẽ thoải mái hơn là phải tháo ra rồi chắp vá một cách vội vàng.
Có thể nói, đối với những hãng game indie (các nhà phát triển độc lập, ít vốn) thì Early Access chính là một "món quà trời ban". Không giống như các hãng game lớn có tiềm lực tài chính cũng như nguồn nhân sự hùng hậu, các studio indie thường phải lược bỏ hoặc làm qua loa giai đoạn chạy thử nghiệm game trước khi hoàn thiện. Lý do chính là vì thiếu hụt thời gian và nhân lực, và nếu chỉ có một nhóm người tự làm rồi tự kiểm tra sẽ không tránh khỏi có những luận điểm chủ quan.
Một thế mạnh khác của Early Access đối với những hãng nhỏ có kinh phí eo hẹp, là cơ hội để họ quảng bá trước một phần của tựa game để thu hút sự chú ý của cộng đồng người chơi. Đây chính là thời khắc mà những chương trình quyên góp vốn như Indiegogo hoặc Kickstarter vào cuộc. Cũng giống như việc xưởng game đã đưa ra phần nền nhà kèm bảng vẽ phác thảo, các game thủ sẽ tự đầu tư vào để cho tựa game có kinh phí phát triển và hiển nhiên, phát triển theo chiều hướng nào, cần thêm bớt những gì, đều phụ thuộc vào những “nhà đầu tư” này. Đây là một quan hệ cộng tác có lợi cho cả đôi bên.
Tất nhiên việc gì cũng có hai mặt và Early Access cũng không ngoại lệ. Bởi vì khi cho phép game thủ quyền có tiếng nói và quyết định của một cổ đông thì hiển nhiên hãng game sẽ khó có thể giữ được tính khách quan cũng như ý tưởng nguyên bản của mình. Chuyện “9 người 10 ý” khó tránh khỏi, nếu 200.000 người muốn 200.000 điều khác nhau có mặt trong tựa game mà họ đầu tư thì chắc chắn trò chơi đó sẽ thành một cái... "nồi lẩu thập cẩm", trái ngược với ý tưởng gốc ban đầu.
Một nhược điểm chí mạng khác của Early Access, đó là việc game thủ sẽ dễ dàng nhàm chán nếu họ có quyền can thiệp quá sâu vào quy trình làm game. Điểm thu hút của những tác phẩm giải trí như phim ảnh, truyện, game… chính là sự kích thích, tò mò khi chờ đợi. Với việc các cổ đông đã biết trước chính xác hướng đi của một tựa game thì liệu họ có còn hứng thú chờ đợi dự án đến khi nó hoàn thành hay không?
Cuối cùng, những lợi ích mà Early Access mang lại cũng không thể phủ nhận những bất cập đi kèm theo. Bởi vì đây giống như một con dao hai lưỡi, do việc thu thập nhiều ý kiến mà thiếu đi khả năng bình tĩnh để phân tích sẽ thành kẻ “ba phải”. Ý tưởng hay thì đầy dẫy, nhưng cái gì cũng muốn nhồi nhét vào thì liệu thành phẩm sẽ ra sao. Chưa nói đến việc do phải chiều ý fan, rốt cuộc thì nhà sản xuất có còn giữ được cái “chất” rất riêng mà họ đã cố công tạo ra từ đầu hay không?
Người viết chợt nhớ đến bộ truyện tranh nổi tiếng Bakuman của Nhật Bản (của bộ đôi tác giả Tsugumi Ohba và Takeshi Obata, với tác phẩm nổi tiếng Death note - Cuốn sổ tử thần), cũng có đoạn nói về một người muốn công nghiệp hóa quy trình vẽ truyện tranh và xây dựng hẳn một công ty cũng như thuê về dưới trướng hàng loạt người cung cấp ý tưởng. Kết quả thế nào? Mặc dù ban đầu hiệu suất chứng tỏ rất khả quan, nhưng dần dà chính việc “không thiếu ý tưởng” đấy đã khiến một bộ truyện mất đi tính nhất quán và nhanh chóng rơi vào quên lãng, do không ai muốn bỏ tiền để đọc một tựa truyện đầy những mảnh chắp vá rời rạc cả.
Hy vọng Early Access trong tương lai sẽ không đi vào vết xe đổ này. Và chúng ta chỉ có thể hy vọng, vì không ai nỡ lòng bác bỏ Early Access với những lợi ích quá tuyệt vời của nó cả. “Nước có thể làm lật thuyền cũng có thể đẩy thuyền”, một cây súng trong tay kẻ cướp thì là hung khí giết người, nhưng trong tay một binh sĩ lại là công cụ vệ quốc. Dù sao đi nữa, Early Access cũng là một bước nhảy vọt của ngành công nghiệp game, đây là điều mà không ai có thể phủ nhận.
Bình luận (0)