Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa hạ lãi suất xuống còn -0,3% và mở rộng chương trình mua trái phiếu để thúc đẩy nền kinh tế châu Âu. Song các động thái này vẫn làm giới đầu tư thất vọng.
Chủ tịch ECB Mario Draghi - Ảnh: Reuters |
Theo CNN và Bloomberg, ECB vừa công bố thêm một gói biện pháp nhằm giải quyết tình trạng lạm phát quá thấp ở khu vực châu Âu.
Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất huy động sâu hơn. Mức lãi suất tiền gửi mà các ngân hàng thương mại đem gửi tại các Ngân hàng trung ương trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vừa giảm từ mức -0,2% hiện nay xuống còn -0,3%.
Ngoài ra, ECB cũng cho hay sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác cho đến tháng 3.2017, thêm 6 tháng nữa so với kế hoạch được công bố trước đây. Song dù mở rộng các loại tài sản để mua ra nợ địa phương và khu vực, ECB vẫn giữ nguyên mức mua 60 tỉ EUR, tương đương 65 tỉ USD, mỗi tháng. Thị trường trước đó chờ đợi ECB tăng lên ít nhất 10 tỉ EUR/tháng.
Sau thông tin trên, chứng khoán châu Âu giảm mạnh. Chỉ số DAX giảm hơn 3%, Stoxx Europe 600 đi xuống 2,8% và đồng euro tăng 2,2%, lên mức 1 EUR ngang giá 1,0845 USD.
Naeem Aslam, Giám đốc phân tích thị trường tại hãng Avatrade cho biết: “Đã có một kỳ vọng rộng rãi về việc Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại”.
Chương trình kích thích kinh tế hiện tại của Ngân hàng trung ương châu Âu được gọi là nới lỏng định lượng, đã bắt đầu được áp dụng từ tháng 3 năm nay. Khi đó, ông Draghi cho hay nỗ lực này sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 9.2016 với tổng giá trị ban đầu là 1.100 tỉ EUR.
Dù vẫn chưa như kỳ vọng của giới đầu tư, tỷ lệ cắt giảm lãi suất hôm 3.12 của ECB càng nhấn mạnh đôi chiều ngược nhau trong chính sách của hai ngân hàng trung ương quyền lực nhất trên thế giới. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen vừa thể hiện ý kiến hôm 2.12, cho hay đợt tăng lãi suất đầu tiên của Mỹ trong vòng gần một thập niên qua có thể sẽ diễn ra vào ngày 15 hoặc 16.12.
Bình luận (0)