ECB làm chính trị

11/09/2012 03:30 GMT+7

Việc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi quyết định mua về tất cả trái phiếu chính phủ của những nước sử dụng đồng euro (Eurozone) gây tranh cãi trên chính trường lẫn giới kinh tế, tài chính khối này. Bên ủng hộ rất đông, nhưng phía phản đối cũng không ít. Tuy nhiên, tất cả đều nhất trí là ECB có bước ngoặt quan trọng nhất kể từ khi được thành lập đến nay và ngân hàng này chính thức làm chính trị chứ không còn chỉ lưu tâm về chính sách tiền tệ.

Ban đầu, ECB được thành lập với tôn chỉ mục đích là bảo vệ sự ổn định của đồng euro. ECB độc lập về chức năng với chính phủ các nước thành viên EU và các thể chế chung của EU. Nói cách khác, ECB không chịu sự kiểm soát của bên nào, ngoài việc đội ngũ nhân sự của ngân hàng này do các thành viên EU cử ra. Để đảm bảo ECB hoạt động đúng sứ mệnh, ECB bị cấm in tiền chi cho thâm hụt ngân sách và nợ công ở các thành viên EU. Thế nhưng, quyết định mua trái phiếu trên thực chất là in tiền để giải quyết thâm hụt ngân sách và nợ công của các thành viên EU.

ECB lập luận rằng nếu không làm thế thì các thành viên trong nhóm Eurozone của họ sẽ phá sản, kéo theo việc đồng euro phá sản. Khi đó, ECB cũng chẳng còn lý do gì để tồn tại. Các thành viên được cứu chưa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vì EU, ECB và IMF đặt ra nhiều điều kiện ngặt nghèo. Bằng quyết định mua trái phiếu, ECB chuyển mục tiêu từ bảo vệ sự ổn định sang duy trì sự sống của đồng euro bằng mọi giá. Đó là quyết định chính trị chứ không phải về tài chính.

Thảo Nguyên

>> Úc và EU thành lập thị trường mua bán khí thải lớn nhất thế giới
>> Anh sẽ rời bỏ EU?
>> Iran xem thường lệnh cấm vận của EU
>> EU thông qua gói kích thích tăng trưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.