Ngày 15.9, giá gạo 5% tấm tại 2 nguồn cung chính là Thái Lan và VN giảm khoảng 10 - 15 USD so với vài ngày trước đó. Cụ thể, gạo VN giá 613 USD/tấn còn Thái Lan là 611 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá gạo 25% tấm của VN cũng mất mốc 600 USD/tấn dù vẫn cao hơn gạo Thái Lan cùng phẩm cấp khoảng 50 USD/tấn. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải xu hướng giảm nhiệt trên thị trường lúa gạo quốc tế trong thời gian tới?
Giá gạo sẽ quay đầu trong bao lâu ?
Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, thị trường trầm lắng vì vụ hè thu đã kết thúc còn vụ thu đông sớm chỉ có một ít diện tích bước vào thu hoạch. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu hiện cũng chưa vội ký thêm hợp đồng mới vì giá đang ở mức cao. Cả thị trường trong nước và thế giới cùng trầm lắng nên giá lúa gạo hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá các mặt hàng lúa gạo nguyên liệu giảm từ 200 - 550 đồng/kg. Cụ thể giá lúa thường tại ruộng khoảng 7.860 đồng/kg, lúa khô tại kho 9.200 đồng/kg, gạo trắng loại 1 là 14.500 đồng/kg… Tương tự VN, thị trường Thái Lan cũng quay đầu giảm từ 10 - 20 USD/tấn tất cả sản phẩm, chứ không riêng gạo 5% tấm.
Các chuyên gia nhận định thị trường lúa gạo có thể sẽ giảm tối đa trong 2 - 4 tuần tới, sau đó sẽ có thể phục hồi trở lại bởi đó là thời điểm mùa vụ và chính sách xuất nhập khẩu lúa gạo từ các nguồn cung và cầu có sự chuyển biến lớn. Đầu tiên là về mùa vụ, các nước sản xuất gạo lớn như: Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Myanmar… sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa chính trong năm vào cuối tháng 9 đến giữa tháng 10. Từ nửa cuối tháng 10, lượng hàng hóa trên thị trường sẽ dồi dào và các nhà nhập khẩu kỳ vọng giá sẽ tốt hơn hiện tại. Ngược lại khi các nhà nhập khẩu cùng chờ đến thời điểm đó và cùng ra quyết định mua hàng khiến cho thị trường càng thêm sôi động và giá có thể tăng thêm.
Về mặt chính sách, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất là Philippines, nhiều khả năng sẽ giảm thuế nhập khẩu gạo theo đề xuất của Bộ Tài chính. Mức thuế hiện tại là 35% có thể giảm xuống còn 10 - 0%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ bổ sung nguồn cung gạo một cách tích cực cho Philippines. Theo một số chuyên gia, việc giảm thuế gần như sẽ được thông qua vì chính sách áp giá trần gạo của nước này không phát huy hiệu quả. Trong khi đó, báo cáo tháng 9.2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết dự kiến Philippines có thể nhập khẩu tổng cộng
3,9 triệu tấn trong năm nay và năm 2024 là 3,8 triệu tấn. Cả hai con số này đều cao hơn mức nhập khẩu gạo dự kiến của Trung Quốc là 3,5 triệu tấn trong năm nay và năm tới. "Philippines nhiều khả năng sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nếu thành hiện thực thì đây cũng không phải là lần đầu tiên, nó đã từng xảy ra vào các năm 2008, 2009 và 2010. Tuy nhiên, hiện nay các nhà nhập khẩu gạo của Philippines đã khác nhiều so với năm 2008 - mua gạo bất chấp giá leo thang; nay họ chờ đợi cơ hội giá tốt", USDA chỉ ra sự khác biệt.
Một chính sách khác cũng đáng chú ý vì gây tác động lớn đối với thị trường là thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ của Ấn Độ. Sản lượng gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ lên tới khoảng trên 7 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, mức giá trần 1.200 USD với gạo Basmati, đã ảnh hưởng nhiều đến lượng gạo Basmati xuất khẩu trong thời gian gần đây vốn có giá trung bình
975 USD/tấn và sản lượng xuất khẩu khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Cả 2 chính sách này có hiệu lực đến ngày 15.10. Sau thời điểm này, mức thuế xuất khẩu 20% và giá trần sẽ tiếp tục được áp dụng hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Nếu được tiếp tục áp dụng sẽ góp phần duy trì giá gạo thế giới ở mức cao và ngược lại.
El Nino kéo dài châm ngòi cho cơn sốt giá gạo
Ngày 14.9, Reuters dẫn nguồn các chuyên gia khí tượng Mỹ cho biết: 95% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến tháng 3.2024. Khi El Nino mạnh lên, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến mùa trồng trọt nhiều nơi ở Nam bán cầu bao gồm Nam Phi, Đông Nam Á, Úc và Brazil. Cơ quan Thời tiết Úc cũng dự báo, các chỉ số El Nino đã mạnh lên và hiện tượng thời tiết này có thể sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 11, mang đến điều kiện nóng và khô hơn. Có đến 71% khả năng là El Nino đang tăng cường độ giai đoạn từ nay đến tháng 11.
Giá gạo, cà phê, điều liên tục lập đỉnh
Xuất khẩu gạo 8 tháng tăng trên 1 triệu tấn
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết: Tính đến hết tháng 8.2023, xuất khẩu gạo đạt gần 5,9 triệu tấn, tăng trên 1 triệu tấn so cùng kỳ năm 2022. Giá trị đạt gần 3,2 tỉ USD tăng 840 triệu USD so cùng kỳ năm trước.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana, Bờ Biển Ngà. Trong 4 tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu gạo của VN vẫn thuận lợi vì nhu cầu các nước nhập khẩu cao trong khi lượng lúa gạo hàng hóa còn ít. Nếu so với sản lượng kỷ lục của năm 2022 là hơn 7,1 triệu tấn thì VN chỉ còn hơn 1 triệu tấn gạo để xuất. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng nhờ giá lúa gạo cao, bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất nên sản lượng xuất khẩu của cả năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục mới khoảng 7,5 triệu tấn.
Theo USDA, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/2024 được dự báo ở mức cao kỷ lục gần 521 triệu tấn, tăng 173.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước. Tiêu dùng và tồn kho thế giới niên vụ 2023/2024 được dự báo ở mức 523 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với mức dự báo trong tháng trước, nhưng tăng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 được dự báo ở mức gần 53 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn so với dự báo trong tháng trước. Thương mại gạo năm 2023 được dự báo giảm 2 triệu tấn do nguồn cung sụt giảm.
El Nino được xem là một trong những nguyên nhân châm ngòi cho cơn sốt giá gạo hiện nay vì làm nguồn cung gạo trở nên khan hiếm từ cuối năm 2022. Với các dự báo mới, nhiều người tin rằng, thị trường lúa gạo không có khả năng giảm nhiệt.
Hiện tại, Indonesia là một trong những nhà nhập khẩu gạo tham gia thị trường khá tích cực. Mới đây Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Chuyên gia thị trường Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SsResource Media, nói với Thanh Niên: Chúng tôi nhận được tin sau khi nhận đủ số lượng gói thầu này, Bulog sẽ mở thêm một gói thầu khác tương tự. Nguyên nhân là do mục tiêu nhập khẩu gạo của Indonesia đã tăng từ 2 triệu tấn lên 2,4 triệu tấn trong năm 2023, nhưng đến thời điểm tháng 7.2023 họ mới nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn gạo. Bên cạnh đó thì chúng ta cũng cần chú ý tới nhà nhập khẩu gạo lớn là Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay họ tham gia thị trường rất "cầm chừng" chủ yếu là nếp và một ít gạo thơm. Nhiều khả năng họ sẽ quay trở lại thị trường trong những tháng cuối năm để duy trì kho dự trữ.
Bình luận (0)