Em bé thứ 2 ở Mỹ chào đời từ người mẹ được cấy ghép tử cung

07/03/2018 15:01 GMT+7

Em bé thứ 2 ở nước Mỹ vừa chào đời từ người mẹ đã được cấy ghép tử cung.

Theo Daily Mail ngày 6.3, các bác sĩ cho biết em bé này là một bé gái, nặng 2,9 kg, đã được sinh mổ tại Bệnh viện Đại học Y dược Baylor (Dallas, Texas, Mỹ). Cả hai đều mẹ tròn con vuông.
Người mẹ sinh ra không có tử cung vì bị một hội chứng gọi là Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser, làm cho hệ thống sinh sản không phát triển và không thể mang thai.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi cô là một trong tám phụ nữ được lựa chọn để được cấy ghép tử cung từ những người hiến tặng. Đây là một bước đột phá trong y học được thực hiện bởi các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược Baylor từ năm 2016.
Bệnh viện là một phần của hệ thống chăm sóc y tế không lợi nhuận Baylor Scott & White.
Trong tám người này, đã có bốn người bị biến chứng nên buộc phải lấy tử cung đã ghép ra. Cô là trường hợp thứ hai đã sinh em bé thành công.
Để được chọn vào nghiên cứu của Bệnh viện Baylor, phụ nữ phải ở độ tuổi 20 đến 35 và khỏe mạnh. Họ cũng phải có buồng trứng bình thường.
Trong nghiên cứu, đầu tiên họ phải được thực hiện các quy trình thụ tinh trong ống nghiệm để khôi phục lại trứng. Sau khi thụ tinh, phôi thai có thể được đông lạnh cho đến khi những phụ nữ này sẵn sàng mang thai.
Sau khi được ghép tử cung ít nhất khoảng một năm, phôi thai có thể được cấy vào.
Thành công này chỉ sau vài tháng các hãng thông tấn và báo chí Mỹ đưa tin về người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ sinh con bằng cấy ghép tử cung vào tháng 12.2017.
Bác sĩ phụ sản Robert Gunby nói với Daily Mail: “Thật là tuyệt vời cho những phụ nữ chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể làm mẹ”.
Người phụ nữ này nói với The Dallas Morning News rằng không có từ nào để diễn tả được cảm giác đang mang một đứa trẻ trong bụng.
Em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ “nghệ thuật” tử cung cấy ghép là ở Thụy Điển vào năm 2015. Đến hiện tại, bác sĩ đầu tiên trên thế giới đỡ sinh cho em bé đầu tiên này cũng đã giúp thêm năm em bé chào đời bằng cách này.
Ghép tử cung nhân tạo có nguy hiểm?
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng sáu tiếng. Tử cung từ người hiến tặng đã chết nhưng tim vẫn còn đập được ghép vào bệnh nhân. Người nhận sẽ phải uống thuốc sau khi ghép và trong suốt thời gian mang thai để phòng ngừa cơ thể đào thải tử cung được ghép, theo Daily Mail.
Một khi người nhận không còn cần tử cung được hiến tặng này nữa, thì tử cung này sẽ được các bác sĩ lấy ra để giúp người nhận không phải uống thuốc suốt đời.

Sau năm 2015, các bác sĩ ở Anh và Mỹ đã tham gia vào cuộc đua để theo kịp thành tựu này.
Ít nhất đã có 16 phụ nữ đã được ghép tử cung trên thế giới. Đầu năm 2016, Trung tâm Cleveland Clinic (Ohio, Mỹ) cũng thực hiện cấy ghép tử cung cho bệnh nhân nhưng thất bại vì nhiễm trùng.
Thống kê cho thấy có 50.000 phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ ở Anh không có tử cung và hàng ngàn phụ nữ ở Mỹ cũng có tình trạng tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.